Với không ít người, đây là một năm có nhiều thay đổi, lần đầu ăn tết xa quê; dạo đường hoa theo quy định, giờ giấc… Tất cả đều vì một năm mới an lành cho bản thân và cộng đồng.
1. Ngày 30 Tết, khu nhà trọ trong hẻm nhỏ thuộc khu phố 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức rộn ràng hẳn. Dãy trọ chừng 10 phòng thì đến 6-7 phòng có gia đình ở lại thành phố đón tết, chủ yếu là công nhân, người lao động từ các tỉnh miền Trung. Gia đình chị Lê Thị Thảo (công nhân KCX Linh Trung I) từ sớm đã sửa soạn mâm cơm cúng tất niên. Chị Thảo cho biết, năm nay dự tính về thì dịch nên hủy vé.
“Dãy trọ này nhiều người cũng trong trường hợp tương tự. Có một điều mà chúng tôi cảm kích khi ở lại là chủ nhà trọ đã đến hỏi thăm, tặng quà tết. Hộp bánh, chai dầu ăn, bịch bột nêm, mấy ký gạo… chừng đó đã quá quý rồi”, chị Thảo kể. Cùng ở lại TPHCM ăn tết như gia đình chị Thảo, các gia đình khác cũng tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên tạ ơn ông bà tổ tiên. Dù xa quê, không khá giả gì nhưng người nào cũng muốn đón tết tươm tất.
Theo đồng chí Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, TP Thủ Đức đã hỗ trợ gần 180 người dân đang cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Thủ Thiêm, phường Bình Trưng Đông, Long Thạnh Mỹ, Linh Trung và 2 hộ dân đang bị phong tỏa tại phường Tam Phú. “TP Thủ Đức là nơi tập trung rất nhiều công nhân, người lao động. Với thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác chăm lo cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân, sinh viên khó khăn không có điều kiện về quê đón tết tại TP Thủ Đức được thực hiện chu đáo, không bỏ sót trường hợp nào khó khăn không được chăm lo, không có điều kiện đón tết”, đồng chí Trần Hữu Phước cho biết.
Trong niềm vui chung của cả nước, TPHCM vào xuân mới, người dân TP Thủ Đức thêm niềm hân hoan bởi đây là mùa xuân đầu tiên của thành phố trẻ, ngập tràn khát vọng. Niềm vui từ tên đường, tên phố, từ những công trình trọng điểm càng tô thêm niềm tự hào của người dân. Riêng với nhiều người dân nghèo, họ cảm thấy ấm lòng bởi các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, gần gũi, giúp đỡ trong cuộc sống.
2. Năm nay, mùa xuân trong trạng thái “bình thường mới” ở TPHCM có nhiều thay đổi. Hơn 30 năm sống ở TPHCM, đây là lần đầu tiên gia đình anh Bùi Văn Quốc (57 tuổi, ngụ quận 1) đón tết ở thành phố thay vì về quê. “Hai vợ chồng tôi đều người Nam Định, năm nào cũng khoảng 25 tháng Chạp là cả nhà về quê đón tết. Đây là lần đầu tiên gia đình ở lại thành phố”, anh Quốc chia sẻ.
Sau 10 năm đón tết ở quê vợ hoặc chồng, lần đầu tiên ở lại thành phố ăn tết, chị Nguyễn Ngọc Minh (45 tuổi, ngụ quận 7) kể: “Hai vợ chồng cứ luân phiên một năm ăn tết bên nội, một năm ăn tết bên ngoại, năm nay vợ chồng tôi dự tính ăn tết bên nội nhưng cuối cùng quyết định ở lại thành phố. Ông bà ở quê cũng không có trách gì hết, tình hình này sức khỏe là trên hết mà”.
Ở những đô thị lớn như TPHCM, chuyện cả gia đình cùng nhau đi du lịch trong những ngày tết trở nên phổ biến. Hủy chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt, cả nhà cùng nhau nấu nướng, cắm hoa để chuẩn bị đón tết, chị Ngô Thị Tú Anh (33 tuổi, ngụ quận 5) kể: “Đặt vé máy bay, phòng khách sạn hết rồi, nhưng cuối cùng gia đình tôi quyết định hủy. Đi chơi trong lúc dịch vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng thì cũng không hay, ở nhà để đảm bảo an toàn hơn”.
Tết này, giá trị sum vầy của gia đình lại được thể hiện rõ nét hơn, khi cùng ở nhà và lại hướng về những giá trị thuần túy như mâm cơm đầu năm; cách gói đòn bánh tét; cách chưng dĩa trái cây, cắm bình bông trên bàn thờ gia tiên… “Không đi chơi ở nhà phụ với ba mẹ chuẩn bị đón tết cũng có nhiều cái hay. Mỗi thành viên trong nhà, người phụ một tay, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ gia tiên, cảm giác mọi thứ thật thiêng liêng. Tết dù ảnh hưởng bởi dịch, không khí không quá rộn ràng nhưng vẫn trọn vẹn ý nghĩa”, chị Tú Anh bày tỏ.
3. Đường hoa, Hội hoa xuân… những điểm vui chơi đặc trưng của người dân thành phố mỗi dịp tết đến xuân về, nhưng để đón mùa xuân an lành, người dân chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch khi dạo phố. Khách tham quan phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào Đường hoa Nguyễn Huệ, tham quan theo giờ giấc quy định, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang xuyên suốt kể cả khi chụp hình.
Dừng lại chụp hình với tiểu cảnh những chú trâu, anh Thanh Hoài (ngụ quận 3) chia sẻ: “Bà xã tôi thích tiểu cảnh trang trí bằng mây tre truyền thống, nên dừng lại chụp một tấm hình rồi đi ngay để giữ khoảng cách an toàn. Ở suốt trong nhà thì cũng khó chịu, nên hai vợ chồng ra ngoài dạo một chút, năm nào vợ chồng tôi cũng ra đường hoa như một thói quen rồi”. Xếp hàng để vào tham quan đường hoa, Minh Thy (23 tuổi, ngụ quận 6) chia sẻ: “Ở nhà suốt 2 ngày rồi, bữa nay mùng 3 em với nhóm bạn hẹn ra đây một chút. Khác với mọi năm, năm nay phải xếp hàng kiểm tra thân nhiệt rồi sát khuẩn tay trước khi vào, nhưng tình hình này, tuân thủ những quy định như vậy chỉ tốt cho sức khỏe mình thôi, nên tụi em thấy an tâm lắm”.
Một mùa xuân trong trạng thái “bình thường mới” chính là cách mà chúng ta thích nghi với tình hình hiện tại, để nhịp sống vẫn tiếp tục, mọi người đón mùa xuân mới an lành và an toàn.