(ĐTTCO) - Hãy trải nghiệm tour du lịch khám phá các tỉnh Đông Bắc với khung cảnh núi non hùng vĩ, vô cùng quyến rũ bên cạnh những điểm đến đậm chất lịch sử - văn hóa như thác Bản Giốc, Khu di tích hang Pác Bó, cột cờ Lũng Cú, hang động Thăng Hen…
Từ cố đô Văn Lang đến cao nguyên đá Đồng Văn
Điểm dừng chân đầu tiên là Phú Thọ - kinh đô đầu tiên của nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng. So với cách đây hơn 10 năm, khu di tích quốc gia đặc biệt này đã được đầu tư khá quy mô, với quảng trường hành lễ rất hoành tráng cùng đường đi lối lại khang trang, màu xanh của cây cối bao trùm làm không khí dịu mát hẳn. Đến đây, du khách phải leo hết hơn 500 bậc thang lên đền Mẫu Âu Cơ để tỏ lòng tôn kính Mẫu quốc đã sinh ra con Lạc cháu Hồng, như trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra đồng bào ta từ 100 quả trứng.
Các động ở Đông Bắc.
Hồ Thăng Hen vẫn còn rất hoang sơ.
Núi rừng Đông Bắc.
Khung cảnh Hà Giang.
Du khách cũng sẽ được thả bộ ngắm công viên, hồ Văn Lang nằm giữa trung tâm TP Phú Thọ được quy hoạch, xây dựng khá bài bản, tạo cho đô thị này một diện mạo vừa hiện đại lại vừa rất riêng. Xung quanh hồ là nhiều trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh và cả khách sạn lớn như Sài Gòn - Phú Thọ. Theo kế hoạch trong tháng 10 này, địa phương sẽ khánh thành cây cầu đi bộ bắc qua hồ Văn Lang, tạo thêm điểm vui chơi cho người dân và du khách.
Buổi chiều du khách khởi hành đi Hà Giang. Ra khỏi TP Phú Thọ, xe đi men theo những dãy núi đá trùng điệp trải dài liên tục với những cảnh sinh hoạt rất đời thường đặc trưng. Đó là hình ảnh đồng bào địa phương trong trang phục dân tộc đeo gùi trên lưng trở về bản sau một ngày đi nương. Khi bắt chuyện, mọi người đều rất thân thiện, hồn nhiên khi gặp khách phương xa dừng chân bên đường để chụp ảnh vườn tam giác mạch.
Tại làng du lịch Lũng Cầm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), đập vào mắt du khách là những ngôi nhà tường rào được làm bằng đá xếp rất đẹp. Chủ nhân của nó đã phải rất kỳ công lượm lặt, gùi đá từ trên núi về để xây tổ ấm theo phong tục truyền thống ngàn đời của người Mông trên cao nguyên Đồng Văn: Sinh ra trên đá, sống trên đá và chết trên đá. Ngôi làng nhỏ xinh xắn với khoảng vài chục nóc nhà vẫn còn giữ được kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống của người bản địa nên được chọn làm bối cảnh để dựng quay bộ phim ”Chuyện của Pao” khá ăn khách trong vài năm gần đây.
Sức hút Mã Pì Lèng
Sức hút Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pì Lèng (nằm trên Quốc lộ 4C, thuộc địa phận 2 xã Pải Lủng và Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, vượt đỉnh Mã Pì Lèng có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nối liền cung đường Hạnh Phúc với trung tâm TP Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đây là một trong “tứ đại đèo” hiểm trở nhất ở khu vực miền núi phía Bắc. Dịch ra từ tiếng Mông, Mã Pì Lèng là “ngựa chết” khi cố vượt qua con đèo này.
Con đường đèo khá nhỏ, chỉ vừa đủ 2 chiếc xe 45 chỗ tránh nhau, uốn lượn qua các sườn núi. Xe di chuyển tương đối chậm để du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của núi rừng, sông suối mờ mờ ảo ảo trong mây. Lên đến chỗ dừng chân trước khi đến đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm dòng sông Nho Quế với màu xanh ngọc đặc trưng thoắt ẩn thoắt hiện trong mây, còn ở trên cao là những đỉnh núi đá đen đặc trưng cũng mờ ảo trong nắng mai như bức tranh thiên nhiên hữu tình.
Thăng Hen chờ khám phá
Thăng Hen chờ khám phá
Ngày thứ 3 của cuộc hành trình, du khách sẽ được nếm trải cảm giác vượt qua con đèo 14 nằm trên Quốc lộ 4A (thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Đây cũng là con đèo thuộc nhóm đèo hiểm trở nhất vùng Đông Bắc, với núi cao dựng đứng, đường hẹp chỉ khoảng 3-4m, có rất nhiều cua gắt.
Vượt qua cung đường đèo dài 2,5km này là tới Khu du lịch Thăng Hen (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) có diện tích 500ha. Thăng Hen, tiếng Tày là cái chum. Đó là thế giới thiên nhiên đầy thích thú với những ai thích có cảm giác mạnh của những tour đi rừng, khám phá hang động. Giữa 4 bề núi cao hiểm trở có một cái hồ xanh biếc màu ngọc bích có chu vi khoảng 2km, các nhà nghỉ được thiết kế dạng nhà sàn dân tộc nằm ẩn mình dưới những tán cây rừng cổ thụ tạo cảm giác thân thiện với môi trường.
Sau khi khám phá hang Kỳ Rằng trong núi dài khoảng 2km, với những hình thù kỳ vĩ của thế giới thạch nhũ trong lòng núi đá vôi, khi màn đêm ấp xuống, du khách sẽ được thưởng thức âm nhạc dân tộc bản địa do đoàn văn công TP Cao Bằng biểu diễn trong một hang động giữa rừng.
Trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, với cây đàn tính, âm thanh trong trẻo của cây đàn hòa trong tiếng hát đã làm cho chuyến đi thêm phần ý nghĩa. Những câu hát trong bài “Mời anh lên Cao Bằng quê em” cùng men say của ly rượu ngô sẽ làm vũ điệu đêm rừng càng thêm huyền ảo.