Đồng bộ giải pháp kích tổng cầu

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, nhiều chính sách, giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chính sách đã đi đúng hướng nhưng vẫn chưa thể kích được tổng cầu, khơi thông tín dụng và phục hồi kinh tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, nhiều chính sách, giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chính sách đã đi đúng hướng nhưng vẫn chưa thể kích được tổng cầu, khơi thông tín dụng và phục hồi kinh tế.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua?

Các khoản chi tiêu công sẽ kích cầu tiêu dùng và kích tổng cầu. Khi có thị trường, doanh nghiệp có thể kích sản xuất và đi vay, từ đó tín dụng sẽ tăng. Vấn đề hiện nay không phải dư địa lãi suất thấp hay cao vì dư địa này đã gần hết, mà là kích được thị trường sẽ khơi thông được tín dụng.

- Ông TRẦN DU LỊCH: - Suốt 6 năm qua, nền kinh tế bị ám ảnh bởi lạm phát. Có thể nói giai đoạn 2008-2013, chính sách chỉ ứng phó tình hình và trục chính là xử lý không để tái lạm phát cao. Trong những giải pháp đó, chính sách tiền tệ có tác dụng và nhạy cảm nhất, bởi nó tác động vào tổng cầu rất mạnh.

Kinh tế vĩ mô trải qua thời kỳ ứng phó, ăn đong, đã khiến doanh nghiệp mất phương hướng. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013, với 6 nội dung chính về các giải pháp điều hành tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản…

Đến nay, một số việc đã triển khai, một số chương trình liên kết giữa ngân hàng thương mại (NHTM) với doanh nghiệp được tiến hành, ngân hàng hạ lãi suất cho vay… Nhưng theo đánh giá chung, các giải pháp đang thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại do chậm và thiếu đồng bộ trong triển khai.

Ngày 19-2, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Trong đó, đề án tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.Triển khai thực hiện đề án trên, lĩnh vực đầu tư công đã làm một số việc nhưng chưa tích cực.

Nhóm NHTM tiến hành tái cơ cấu khá tích cực, dù vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện có đến 97% tín dụng ngắn, trung, dài hạn đặt trên vai NHTM, còn các định chế tín dụng phi ngân hàng chỉ chiếm 3%. Vì thế theo tôi phải phát triển thị trường chứng khoán để “chia lửa” phần lớn vốn trung và dài hạn.

Với các đơn vị, tổng công ty nhà nước cũng đều có đề án tái cơ cấu, nhưng tái cơ cấu lĩnh vực này không thể làm rời rạc mà phải thực hiện một cách tổng thể. Hiện là thời điểm thích hợp để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.

- Vậy theo ông, kích tổng cầu cần những giải pháp nào?

- Tổng cầu gồm 4 yếu tố chính: tổng cung tiền, chi tiêu Chính phủ, chi tiêu tư nhân và quan hệ xuất nhập khẩu. Dự kiến năm nay tín dụng tăng 12% cũng khó khăn ảnh hưởng đến tổng cung tiền. Nhưng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời để tiến hành mua nợ xấu.

Các khoản nợ bất động sản được VAMC mua, thanh toán bằng trái phiếu và NHTM sử dụng trái phiếu đặc biệt này để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sẽ kích tổng cung tiền. Về chi tiêu Chính phủ, hiện nay đang tháo gỡ bằng việc tăng thêm trái phiếu.

Trong điều kiện tín dụng bị nghẽn, biện pháp nhanh nhất là tăng đầu tư công, chi tiêu công, dĩ nhiên phòng ngừa tăng quá đáng. Chẳng hạn hiện nay, Chính phủ, các địa phương, các ngành đang nợ khoảng 90.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản, nếu giải ngân trả ngay sẽ giải quyết được 50%, kích được thị trường.

Về thị trường bất động sản, từ năm 2007 cho đến nay tôi đã không ngừng cảnh báo và đề xuất Quốc hội, nhưng sự đồng thuận chưa nhiều, để cho bong bóng và sự lệch lạc của thị trường này quá nặng, cung cầu không gặp nhau. Khi gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà người có thu nhập thấp thực hiện triển khai lại vướng luật: thế nào là nhà ở xã hội, thu nhập thấp chưa rõ ràng và thủ tục nhiêu khê.

- Các nhà hoạch định chính sách đang tính đến phương án bổ sung gói 100.000 tỷ đồng nhằm kích hoạt các dự án đầu tư công dở dang, bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ. Theo ông phương án này có khả thi?

- Việc thực hiện phương án này hay không còn tùy thuộc Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, tăng mức chi tiêu công chỉ có thể xử lý một phần nợ đọng, không thể giải quyết tất cả hơn 90.000 tỷ đồng được. Vấn đề là phải rà soát lại những dự án, trách nhiệm chính quyền địa phương, những nơi thực hiện dự án, nguồn vốn có không, tại sao để nợ nhiều…

Bởi lẽ thực tế không thể có được khoản tiền 100.000 tỷ đồng để làm ngay mà phải làm từng phần. Năm nay, nếu thực hiện được 30.000-40.000 tỷ đồng là tốt lắm rồi, bởi thu ngân sách không đủ lấy đâu tiền bội chi cả trăm ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp quận Tân Bình, TPHCM ký kết vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp quận Tân Bình, TPHCM ký kết vay vốn ngân hàng.

- Gần đây, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giao cho NHTM thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Những chính sách NHNN đưa ra thời gian qua có giải pháp bắt buộc nhưng cũng có giải pháp mang tính khuyến nghị, kêu gọi. Chẳng hạn, NHNN không thể yêu cầu NHTM chỉ được cho vay khách hàng này, khách hàng khác, nhưng có thể khuyến khích NHTM xem xét cho vay.

Những văn bản khuyến nghị về chính sách cũng là hướng để NHTM nhìn vào quan điểm của NHNN mà thực hiện. Điều này có tác dụng nhất định, bởi NHNN là chủ quản nên NHTM hưởng ứng chứ không phải do ràng buộc pháp lý. Khi NHTM làm theo khuyến nghị của NHNN sẽ được ưu đãi, hỗ trợ về tái cấp vốn, thanh khoản.

Tuy nhiên, làm theo khuyến nghị của NHNN nhưng tự thân NHTM phải bảo đảm an toàn trong cho vay và chịu trách nhiệm rủi ro, không thể làm thiếu kiểm soát rồi đổ lại do NHNN khuyến nghị. Do vậy dù đang nỗ lực kéo giảm lãi suất để khơi thông dòng vốn, tháo gỡ khó khăn, nhưng NHTM lại đứng trước mâu thuẫn doanh nghiệp mời cho vay không vay, doanh nghiệp muốn vay lại không thể cho vay.

Nhiều NHTM ôm tiền huy động không cho vay được nên mua trái phiếu chính phủ, phần còn lại NHNN gom về khiến dòng vốn bị nghẽn.

Tôi đã nhiều lần đề nghị duy trì lạm phát mục tiêu 7% trong 3 năm 2013-2015, trên cơ sở đó tính dư địa cho chính sách tiền tệ. Thí dụ giao NHNN điều hành làm sao trong thời gian 3 năm lạm phát ở mức đó để có dư địa tính tổng cung tiền, từ đó tính toán xem tín dụng tăng bao nhiêu là vừa và công cụ lãi suất được điều chỉnh theo cung cầu tín dụng.

Nếu thực hiện như vậy, NHTM có được định hướng để tính lãi suất như thế nào, mức lạm phát 7% huy động bao nhiêu là hợp lý. Theo đó, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh tính được chi phí trong phần gói lạm phát như thế nào. Hiện, chính sách chưa ban hành nhưng đang điều hành theo hướng đó, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề ăn đong. Đây là tín hiệu tốt cho thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác