Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM có bài báo cáo chuyên đề về chủ đề này.
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Tạo mô hình tăng trưởng mới
Chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến việc thành lập TP Thủ Đức (theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài của TPHCM. Đặc biệt, việc thành lập TP Thủ Đức không phải là sự sáp nhập cơ học 3 quận 2, 9, Thủ Đức mà qua đó nhằm tạo mô hình tăng trưởng mới, góp phần đưa TPHCM đảm bảo tăng trưởng gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước như trước đây.
Theo đồng chí, TPHCM là đóng góp hơn 22% vào kinh tế của cả nước; đóng góp 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Dù vậy, trong 10 năm qua, tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng của kinh tế TPHCM so với cả nước đã giảm mạnh. Điều này đòi hỏi TPHCM tìm giải pháp đưa tăng trưởng kinh tế của TPHCM trở lại như trước, thậm chí có thể cao hơn nữa.
Theo đồng chí, có nhiều lý do của tình trạng tăng trưởng kinh tế TPHCM giảm vượt trội so với cả nước như thể chế phát triển của TPHCM chưa hoàn toàn phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội hiện nay. Đặc biệt, khâu cản trở lớn nhất phát triển TPHCM là hạ tầng phát triển chậm. Đồng thời, khoa học - công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động (NSLĐ).
“Chúng ta thấy rằng TPHCM hoàn toàn có thể tăng NSLĐ không chỉ cao hơn 2,5 lần NSLĐ bình quân của cả nước mà có thể cao hơn nữa, gấp 5-7 lần”, đồng chí nhận định. Điều kiện đi kèm là cần phải tận dụng tất cả các lợi thế của Việt Nam, cũng như khắc phục những yếu kém về thể chế, hạ tầng và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở TPHCM. Cùng với đó là việc tạo ra các điều kiện để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao.
Minh họa cho nhận định này, đồng chí dẫn chứng về NSLĐ tăng cao nhất của ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) hiện đang gấp 7,6 lần NSLĐ của cả nước. Một dẫn chứng quan trọng là hiệu quả hoạt động của Khu công nghệ cao TPHCM, khi nơi đây có NSLĐ cao gấp 16,6 lần năng suất lao động của cả nước.
Đồng chí cũng nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) là thời cơ lớn nhất tạo đột phá tăng NSLĐ và thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp tục lấy dẫn chứng về sự thành công ở TP Montreal -Thủ đô AI của Bắc Mỹ, đồng chí nêu ra các kinh nghiệm cụ thể về các điều kiện và chính sách cụ thể, trong đó có các chính sách khuyến khích về thuế đối với doanh nghiệp. “TP Thủ Đức cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù về thuế để thu hút đầu tư”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Phân cấp tối đa cho TP Thủ Đức
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP Thủ Đức được sáp nhập từ 3 quận. Nơi đây đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, trong một không gian địa lý đủ gần để có thể hình thành sự tương tác mạnh giữa các cấu phần này, có thể hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức, của AI. Các đơn vị tư vấn quốc tế cũng khẳng định, quận 2, 9 và Thủ Đức có đủ các điều kiện để trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế tri thức của TPHCM.
Tuy nhiên, để đảm bảo trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao (để tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức và AI) thì khu vực phải đảm bảo đầy đủ các hạ tầng đặc thù và có sự kết nối chặt chẽ với nhau.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến yêu cầu quản lý TP Thủ Đức sáng tạo, tương tác cao phải đảm bảo dân chủ, thông minh và hiệu quả. Gợi ý 6 giải pháp cụ thể, đồng chí đề cập đến mô hình chính quyền đô thị, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. “Từ Nghị quyết 54, TPHCM sẽ phân cấp tối đa cho TP Thủ Đức, đồng thời có thể kiến nghị Trung ương áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù khác nhằm tạo điều kiện cho TP Thủ Đức phát triển”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cùng với đó là thực hiện quản lý chính quyền số xây dựng thành phố thông minh; thực hiện Hội đồng phát triển TP Thủ Đức với sự tham gia của của đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà văn hóa, người dân, chính quyền, cấp ủy. Song song đó là phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP Thủ Đức có nhiều tiền đề quan trọng và nếu tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp đặc thù thì đây sẽ là nơi có NSLĐ cao nhất của đất nước. Qua đó, GRDP của TP Thủ Đức sẽ đóng góp vào kinh tế TPHCM 30%, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam. Mức này chỉ sau Hà Nội (chiếm 16,04%) và lớn hơn tỉnh Đồng Nai (chiếm 5,86%), Bình Dương (chiếm 5,98%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (chiếm 5,95%).
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: “Theo quy hoạch, dân số Thủ Đức năm 2040 là khoảng 2 triệu người vàđến năm2060 là 3 triệu người. Với hệ 4 thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0, quy mô dân số đủ lớn, liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TPHCM, TPThủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất, dịch vụ 4.0, một trung tâm TTNT lớn của Việt Nam và quốc tế. TPThủ Đức sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho phát triển của TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước, hướng mạnh mẽ tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0. TPThủ Đức với vị trí giao thông đặc biệt thuận lợi sẽ giúp TPHCMkết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, hình thành vùng kinh tế 4.0 ở phía Nam của đất nước” |