Với quan điểm Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển và việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đầu năm đến nay, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực hiện có trọng tâm và mang lại nhiều kết quả.
Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp trong thực tiễn đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình triển khai cũng như việc điều hành để vừa có thể đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách, vừa đảm bảo các mục tiêu thu chi ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết về chính sách tài khóa nhằm phản ánh từ thực tế triển khai chính sách này.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tài chính-ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và chi an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ban hành nhiều chính sách nhằm “khoan thư sức dân” trong bối cảnh mấy năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Khoan thư sức dân"
Theo thống kê, trong ba năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm thuế giá trị gia tăng...
Đặc biệt trong những tháng gần đây, Bộ tiếp tục thực hiện một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kịp thời tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023...
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đánh giá: Việc giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí; trong đó có gia hạn giảm tiền thuê đất có ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng cũng như ý chí quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính.
Là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu túi để dùng đóng gói hàng hóa FIBC (Flexible Intermediate Bulk Container - Bao Chất dẻo linh hoạt), đại diện Công ty Kohsei Multipack Việt Nam (Vĩnh Phúc) cho biết, việc giảm thuế VAT đã giúp doanh nghiệp có thêm dư địa về tài chính, giảm áp lực từ vốn vay ngân hàng để có thể ổn định sản xuất duy trì việc làm cho hơn 600 lao động.
Các công nhân làm việc tại Tập đoàn Cao su Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo chị Vũ Thị Sen, Kế toán trưởng Công ty Kohsei Multipack Việt Nam, với số giảm 2% từ thuế VAT công ty đã dùng để tái tạo sản xuất hoạt động kinh doanh, đầu tư mua trả nguyên vật liệu.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với một số nhóm hàng hóa về trước mắt có thể sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước của tỉnh, song chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết để nhằm kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế mà vẫn phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay.
Trong khi đó, thuê hơn 4.000m2 đất tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Hoàng Đình Kiên, Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần VinaFco, cho biết đơn hàng giảm so với năm ngoái, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Do đó, nhờ chính sách giảm tiền thuê đất vừa được ban hành, giúp công ty giảm chi phí tài chính trong bối cảnh mọi chi phí đều đang tăng.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, việc áp dụng các giải pháp miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, dự kiến trong năm 2023, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại thành phố sẽ được miễn giảm 8.287 tỷ đồng và được gia hạn nộp khoảng 14.669 tỷ đồng tiền thuế-tiền thuê đất.
Ông Nguyễn Hồng Thái cho biết việc người nộp thuế được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực tài chính từ số tiền thuế được gia hạn để xoay vòng vốn, tạo đà tăng trưởng cao hơn, từ đó cộng đồng doanh nghiệp quay trở lại đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Đánh giá về chính sách thuế khi được áp dụng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất là "một mũi tên trúng nhiều đích," mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng khẳng định, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Do đó, ngay khi Quyết định của Chính phủ được ban hành, để các đối tượng được thụ hưởng chính sách thuận lợi nhất, Tổng cục Thuế đã lập tức ban hành công điện đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng, chi cục thuế khẩn trương triển khai trên tinh thần “không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hưởng do không có thông tin.”
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực để hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì vẫn còn những vướng mắc khiến doanh nghiệp gặp “rào cản” như việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chế biến xuất khẩu gỗ, tinh bột sắn, cao su, nông sản... đã có ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty Cổ phần Kết cấu Thép Minh Trị, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là trên 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp dăm gỗ, viên nén, ván dán…
Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, cho hay cách truy xuất của ngành thuế chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp.
Hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng. Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc gỗ có thêm lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm.... và với cách làm này, thời gian xác minh sẽ rất dài.
Hiện Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc của việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả thu ngân sách nhà nước những tháng vừa qua cho thấy, Bộ Tài chính cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu ngân sách nhà nước trong những tháng gần đây có hiện tượng suy giảm.
Thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương.
Điều đáng lo ngại hơn là các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách.
Song như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp suốt thời gian qua là “không hứa suông và đã nói là làm,” dù trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh...
Ngành tài chính luôn xác định thông qua các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Song để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản…
Trong quản lý thu, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế...
Về dài hạn, ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp…