Đồng hành vượt qua khó khăn

9 tháng năm 2013, tình hình kinh tế TPHCM vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì thế, vẫn cần nhiều biện pháp đồng bộ để giúp DN vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

9 tháng năm 2013, tình hình kinh tế TPHCM vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì thế, vẫn cần nhiều biện pháp đồng bộ để giúp DN vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Áp lực nguồn thu

Theo báo cáo của Sở Tài chính TPHCM, kết quả thu ngân sách 9 tháng khá tích cực, các nguồn thu đều tăng cao so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý nhất là nguồn thu từ khu vực kinh tế tăng 14,49% (trong đó thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,51%, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 13,53%).

Tuy nhiên, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP trong năm 2013 chỉ đạt 91,61% dự toán (trong đó thu nội địa đạt 84,99% dự toán và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 88,69% dự toán). So với dự toán đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước hụt 19.880 tỷ đồng.

Có 3 nguyên nhân được Sở Tài chính đưa ra. Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn nên tuy có tăng trưởng nhưng vẫn chưa cao, thị trường tiêu thụ bị cạnh tranh gay gắt. Thứ hai, việc thực hiện chủ trương miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế của Chính phủ.

Thứ ba, chỉ tiêu thu năm 2013 giao cho TP quá cao so với khả năng và tình hình thực tế của TP. “Việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 2013 đối với TP là một áp lực rất nặng nề” - bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, nói.

Chỉ tính riêng khối DN 100% vốn nhà nước thuộc UBND TPHCM, lợi nhuận và doanh thu trong 8 tháng năm 2013 giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng doanh thu thực hiện 8 tháng là 56.067 tỷ đồng, đạt 57,60%, giảm 39,19% so với cùng kỳ năm trước. Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận ước thực hiện 8 tháng là 4.706 tỷ đồng, đạt 57,42% kế hoạch năm, giảm 12,98% so với cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên, bức tranh chung cũng không quá mức ảm đạm, bởi trên thực tế vẫn có những DN làm ăn có hiệu quả dù cũng phải đối mặt với những khó khăn chung. “Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013 của tổng công ty tương đối khả quan. Doanh thu ước đạt 72% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 109% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ, nộp ngân sách nhà nước đạt 89% kế hoạch, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2012” - ông Trần Quốc Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn, cho biết.

Năng động cùng DN

Đại diện CTCP Thủy hải sản (trực thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam) kiến nghị: “Đối với ngành thủy sản từ tháng 8 cho đến cuối năm cần trữ nguyên liệu để đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất vẫn còn cao.

Chính vì vậy, vốn đang bị thiếu trầm trọng và đây chính là khó khăn của DN”. Câu chuyện vốn không chỉ của riêng DN này mà nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh rất cần tiếp cận được với nguồn vốn vay trung và dài hạn. Trước băn khoăn này của DN, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM chia sẻ, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 45,3%.

Đây chính là một nỗ lực của các ngân hàng trong việc đồng hành cùng DN, bởi nguồn vốn huy động hiện chỉ trong thời gian ngắn dưới 3 tháng. Một thống kê gần đây cho thấy, nguồn vốn huy động trung và dài hạn/tổng vốn huy động chỉ chiếm khoảng 10%.

DN cần sự đồng lòng của các ban, ngành để vượt khó.

DN cần sự đồng lòng của các ban, ngành để vượt khó. 

Cũng hướng đến việc giải quyết những khó khăn về vốn cho DN, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho hay từ đầu năm đến nay sở đã tổ chức khoảng 20 cuộc kết nối giữa ngân hàng và DN để hỗ trợ DN. Và từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 4 cuộc tiếp xúc như vậy. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TPHCM, tất cả các ngân hàng cho vay dư nợ có lãi suất dưới 13%/năm chiếm 70%.

Bà Đào chia sẻ thêm, trong 9 tháng năm 2013, tình hình sản xuất công nghiệp của TP tăng 4,2% so với cùng kỳ. Tình hình giá cả ổn định. Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình nhằm kích sức mua như tháng khuyến mại, tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Song song đó, sở cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại sang các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ… để hỗ trợ các DN trong việc xuất khẩu sản phẩm, giảm tải cho bài toán đầu ra.

Tính trong 8 tháng đầu năm 2013, số DN tăng (thành lập mới và tái hoạt động) là 23.088, số DN giải thể, ngưng hoạt động 15.343, số DN đang hoạt động 136.751 DN. Những con số này phần nào cho thấy hiệu quả từ sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng. Tất nhiên khó khăn vẫn còn phía trước và ngoài sự đồng hành rất cần sự năng động, sáng tạo của từng DN để vượt qua khó khăn chung.

Các tin khác