Thư Ban Biên tập

Đồng lòng vượt khó

Những chỉ số kinh tế quý I-2012 vừa được công bố đã làm nhiều người không ít băn khoăn: GDP cả nước chỉ tăng 4%; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có lượng tồn kho cao (34,9%); CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 36 tháng qua, cũng là mức tăng thấp nhất so với mức độ tăng của tháng 4 cùng kỳ trong vòng 9 năm gần đây.

TPHCM - một đầu tàu kinh tế cả nước, cũng không thoát khỏi vòng xoáy suy giảm: GDP trên địa bàn quý I-2012 tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt mức thấp so với các năm qua.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng; nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại tăng do việc thu hồi, xử lý nợ cũ gặp rất nhiều khó khăn...

Điểm sáng có thể ghi nhận được trong nền kinh tế là việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng phát huy tác dụng, thể hiện qua một số chỉ báo vĩ mô: Chỉ số giá tiêu dùng giảm; kim ngạch xuất khẩu và dự trữ ngoại hối tăng; một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm đang đánh giá tích cực đối với kinh tế Việt Nam…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước lại tỏ vẻ không vui mừng, lập luận: CPI giảm đột ngột, kéo dài trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm, sản xuất đình đốn là biểu hiện của xu hướng suy giảm kinh tế! Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế đang chứa đựng nhiều rủi ro, từ nay đến cuối năm sẽ đứng trước sức ép bất ổn do giá một số hàng hóa điều chỉnh tăng.

Và điều này càng làm sức mua của toàn bộ nền kinh tế thêm suy giảm, thu nhập của người dân càng khó khăn hơn, càng làm thui chột động lực sản xuất kinh doanh.

Tư tưởng chỉ đạo hiện nay của Nhà nước vẫn là ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhằm tái cấu trúc nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Chủ trương chung là sẽ không nới lỏng các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra nhưng sẽ điều hành linh hoạt, vận dụng chính sách trong tầm kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, tín dụng và lãi suất vẫn là điểm nóng tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là biện pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng, cần triển khai nhanh việc giãn nợ, giãn trả lãi vay theo quy định mới đây của NHNN Việt Nam và làm một cách minh bạch.

“Nút thắt” về tiền tệ cần được tiếp tục tháo gỡ: Vì sao NHNN khống chế và liên tục giảm lãi suất đầu vào nhưng đến nay vẫn chưa quy định trần đầu ra? Doanh nghiệp và người dân vẫn phải gánh lãi suất cao ngất, ai hưởng lợi?

Trên cơ sở CPI giảm, lãi suất giảm, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị NHNN quy định trần lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại và cho áp dụng ngay đối với các khoản cho vay mới, mới tháo gỡ được các khó khăn của doanh nghiệp. Đó còn là biểu hiện của việc đồng lòng vượt khó, cùng nhau chia sẻ thuận lợi và rủi ro.

Hai năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp nước nhà ngày càng đuối sức, hoạt động báo chí nói chung và báo ĐTTC nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn.

Khó khăn do sức mua xã hội yếu đi; do các doanh nghiệp cắt giảm quảng cáo, tiếp thị; khó khăn do giá giấy, vật tư ngành in, tiền công… tăng cao. Trước những cản ngại ấy, Ban Biên tập và những người làm báo ĐTTC vẫn nỗ lực giữ vững nội dung và tính định hướng khách quan, chuyên sâu; cung cấp các thông tin hữu ích, kịp thời của một tờ báo kinh tế phục vụ giới doanh nghiệp, nhà đầu tư; không phụ lòng tin cậy của bạn đọc.

Trong hoàn cảnh ấy, trong năm qua ĐTTC còn cải tiến hình thức, in giấy đẹp và đặc biệt đã cho ra đời Trang tin điện tử ĐTTC (www.saigondautu.vn) để phục vụ bạn đọc một cách nhanh nhạy, hiệu quả, phù hợp với diễn biến kinh tế - đời sống trong thời đại bùng nổ thông tin.

Bạn đọc đang cầm trên tay ấn phẩm ĐTTC số đặc biệt Kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là số báo đánh dấu ấn phẩm ĐTTC tròn 5 tuổi.

Ban Biên tập trân trọng cảm ơn lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, giới chuyên gia, doanh nghiệp và bạn đọc đã đồng hành cùng ĐTTC trong suốt quãng thời gian khó khăn vừa qua; đã động viên, hỗ trợ để ĐTTC ngày càng trưởng thành và phát triển mạnh mẽ.

Vào dịp này năm ngoái, ĐTTC đã phát động cuộc thi viết Phóng sự - Ký sự với chủ đề “Doanh nhân - Bản lĩnh và cống hiến” nhằm phát huy mạnh mẽ và tôn vinh sự đóng góp của doanh nhân nước nhà trong sự nghiệp xây dựng đất nước thời bình, đưa nước ta tiến nhanh trên con đường ấm no, hạnh phúc và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuộc thi đã được sự hưởng ứng rộng rãi của giới cầm bút cả nước, đã gửi về gần 1.000 tác phẩm dự thi và Ban Tổ chức đã chọn đăng hơn 100 bài trên các số báo ĐTTC.

Theo thể lệ, đến nay tròn 1 năm kể từ ngày phát động cuộc thi, Ban Tổ chức xin khép lại mục này kể từ số báo này, để Ban Giám khảo tuyển chọn. Các tác giả đoạt giải, các doanh nhân… sẽ được mời tham dự Lễ Kỷ niệm 5 năm ngày ra mắt ấn phẩm ĐTTC và tổ chức trao giải vào trung tuần tháng 6-2012, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Một lần nữa, Ban Biên tập báo SGGP - ĐTTC trân trọng cảm ơn sự động viên, chia sẻ cả về vật chất, tinh thần của bạn đọc các giới đối với bản báo. Kính chúc Quý vị một kỳ nghỉ lễ hạnh phúc và thư giãn.

Các tin khác