FPT tách mảng bán lẻ
Tuần rồi, Tập đoàn FPT công bố kế hoạch kinh doanh để thông qua tại ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 5-4. Theo đó, doanh thu năm 2018 là 21.900 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với 2017; lợi nhuận trước thuế 3.484 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với 2017.
Nguyên nhân chính do FPT đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% tại 2 đơn vị bán lẻ là FPT Retail và FPT Trading, trong khi bán lẻ đang đóng góp rất lớn về doanh thu cho tập đoàn.
Nhiều năm qua, kinh doanh của FPT ở lằn ranh giữa công nghệ và bán lẻ, dù định hướng luôn phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống, viễn thông… Khi FPT công bố kế hoạch giảm sở hữu tại mảng bán lẻ đã xuất hiện 2 dòng kỳ vọng: Thứ nhất, FPT sẽ trở thành tập đoàn công nghệ thuần khiết.
Thứ hai, tập đoàn này sẽ thu được dòng tiền đáng kể từ hoạt động thoái vốn. Trong chừng mực nào đó, kỳ vọng thứ 2 dễ dàng tính toán và kiểm chứng qua sổ sách, nên có thể tạm cho đã phản ánh vào giá CP. Còn kỳ vọng thứ 1 vẫn đang là… kỳ vọng, bởi lẽ 2018 sẽ là năm đầu tiên thị trường quan sát FPT sẽ ra sao khi rút khỏi mảng bán lẻ.
Dường như với FPT bán lẻ luôn có 2 mặt, vừa tạo ra kỳ vọng nhưng cũng đem đến những lo ngại. Nói vậy để thấy rằng bán lẻ vẫn còn ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của FPT, vì KQKD của những năm trước (vẫn còn bán lẻ) sẽ được đem ra làm tham chiếu để so sánh với KQKD 2018. Vì thế, NĐT đang theo dõi xem FPT khi không có bán lẻ, liệu có thể tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng cốt lõi là công nghệ?
Cuối năm 2018 sẽ đưa 1.000 cửa hàng Bách hóa xanh vào hoạt động.
TGDĐ đường vẫn còn xa
Những người quan tâm đến CP của Thế giới di động - TGDĐ (MWG) đang ở trong trạng thái chờ sóng CP. Nếu mua MWG cách đây 6 tháng và giữ đến thời điểm hiện tại, NĐT chỉ có lợi nhuận nếu canh bán được tại vùng giá 13.5-14.0 vào cuối năm 2017. Còn nếu 3 tháng qua NĐT mua MWG với giá hơn 13.0 và giữ đến bây giờ, xem như đang tạm âm hơn 10%. Nguyên nhân được cho giai đoạn tăng trưởng của MWG đang dần tiến đến điểm bão hòa.
Thống kê trong tháng 1-2018, doanh thu của 1.071 cửa hàng TGDĐ đạt 3.182 tỷ đồng và giảm khoảng 11% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, doanh thu của 668 siêu thị Điện máy xanh đạt 4.167 tỷ đồng và tăng trưởng 28% so với cùng kỳ.
Theo dự kiến của TGDĐ, cuối năm 2018 sẽ đưa 1.000 cửa hàng Bách hóa xanh vào hoạt động và đây được xem là át chủ bài của đại gia bán lẻ này. Ngoài ra, việc mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang cũng được xem là hình thức tăng cường các kênh, sản phẩm phân phối của TGDĐ.
Cùng với đó, TGDĐ cũng đang phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên toàn hệ thống nói chung và cho sàn thương mại điện tử (TMĐT) vuivui.com của mình. Về lý mà nói, MWG vẫn còn nhiều lực đẩy, nhưng xét một cách thận trọng, mức độ đảm bảo thành công chưa rõ ràng. Tính đến cuối năm 2017, đã có gần 300 cửa hàng Bách hóa Xanh đi vào hoạt động, nghĩa là năm nay TGDĐ cần mở thêm 700 cửa hàng nữa, trung bình mỗi ngày 2 cửa hàng.
Mở shop là sở trường của TGDĐ, nhưng vấn đề đặt ra là phải có mặt bằng. Những đơn vị có mô hình kinh doanh tương tự Bách hóa Xanh đã đi trước và lựa chọn không ít mặt bằng lý tưởng, đang là thách thức không nhỏ đối với TGDĐ.
Việc TGDĐ phát triển sàn TMĐT vuivui từ đầu, không thông qua M&A, cũng như mua chuỗi dược phẩm có quy mô khá nhỏ để xây dựng lại, chuẩn hóa quy trình rồi mới phát triển là hợp lý. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ ngốn không ít thời gian. Tăng trưởng trong ngắn hạn có thể đạt được vì quy mô nhỏ nên dễ lớn nhanh, nhưng để đóng góp tỷ trọng đáng kể trong nguồn thu chung hoàn toàn không dễ dàng.
BHV nâng cấp bán lẻ
BHV nâng cấp bán lẻ
Lặng sóng trong suốt 3 quý đầu năm 2017, nhưng từ quý IV-2017 đến nay BVH bắt đầu bùng nổ khi tăng từ 5.0 lên đến khoảng 8.8, đạt hơn 75%. Nếu sử dụng margin và mua được BVH với giá tốt, việc có thể nhân đôi tài khoản với blue chip kỳ cựu này là điều nằm trong tầm tay. Ngay từ cuối tháng 1 vừa qua, BVH đã chủ động công bố KQKD 2017 với nhiều thông tin tích cực, như doanh thu hợp nhất đạt 32.445 tỷ đồng; hoàn thành 112,4% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 37,9%.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ về tổng doanh thu, hoàn thành vượt kế hoạch với tổng doanh thu đạt trên 22.000 tỷ đồng, và là năm thứ 2 liên tiếp Bảo Việt Nhân thọ duy trì vị trí số 1 thị trường về thị phần doanh thu khai thác mới...
Có nhiều nguyên nhân khiến BVH đạt tốc độ tăng trưởng mạnh trong 2 năm gần đây, trong đó có mảng bán lẻ tập đoàn này đã sử dụng để phân phối các sản phẩm của mình. Tính riêng trong từng thành viên, năm 2017 Bảo hiểm Bảo Việt đã thành lập thêm 6 công ty, nâng tổng số công ty thành viên lên 79 công ty trên toàn quốc.
Bảo Việt Nhân thọ cũng khai trương 10 công ty, nâng tổng số công ty thành viên lên 75 công ty. Ngân hàng Bảo Việt mở mới 9 điểm giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 50 đơn vị. Điều này đã giúp BVH là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất có hệ thống bao phủ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Không chỉ có những điểm bán lẻ, BVH cũng đã triển khai các hoạt động bán bảo hiểm trực tuyến, qua các ứng dụng ví điện tử, hay trong mảng quản lý quỹ của BaovietFund từ lâu NĐT đã có thể giao dịch quỹ mở trực tuyến. Với một ngành mà tính thận trọng luôn được đề cao, việc phát triển sản phẩm và đẩy mạnh phân phối theo mô hình bán lẻ đã gắn thêm yếu tố tăng trưởng rất tích cực cho BVH.