Những động lực chính đã tới giới hạn
Giai đoạn 1986-1995, động lực phát triển chính của TPHCM là chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thừa nhận sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân. Đó chính là động lực mạnh nhất để TP lấy lại sức sống sau thời gian dài khủng hoảng.
10 năm trước đó (1975-1985), thành phần kinh tế tư nhân rất yếu, các nhà máy bị đóng cửa vì không có nguyên vật liệu, các doanh nghiệp buôn bán phải đóng cửa, và 10 năm sau được quay trở lại chính thức tham gia vào thị trường. Đó chính là động lực quan trọng bậc nhất khiến TPHCM xác lập là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Từ 1995-2002, động lực chính là chính sách cải cách, mở cửa hội nhập nền kinh tế thế giới, với dấu mốc quan trọng là Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Liên hiệp quốc bỏ lệnh cấm vận. Cửa ngõ ra thế giới bên ngoài được mở toang.
Giai đoạn này ghi nhận làn sóng đầu tư nước ngoài vào TPHCM tăng lên nhanh chóng. Dấu ấn đầu tiên là KCN Tân Thuận ra đời năm 1991, tiếp sau là gần 20 KCX và KCN ra đời, hàng hóa xuất khẩu rất mạnh mẽ và đa dạng.
Giai đoạn 2002-2015, động lực chính là đất đai. Đây là giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản (BĐS), các khu dân cư mới xuất hiện và định hình như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, An Phú, Bàu Cát… hàng trăm chung cư hiện đại, cao ốc văn phòng xuất hiện ở khu trung tâm và lan dần ra các quận đô thị hóa mới. Thời gian này quỹ đất của TPHCM còn dồi dào, giá thấp, phân lô bán nền trở nên sôi động.
Đất đai ở các quận đô thị hóa mới như Bình Tân, Tân Phú, quận 7, 9 và các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, lên giá chóng mặt. Hình thái đô thị hóa là lan dần ra từ trung tâm đến các huyện theo trục đường giao thông.
Từ 5 năm trở lại đây, có một thực tế là các nhân tố đóng vai trò động lực kể trên đã tới hạn, nhiều nhân tố vẫn còn tác dụng nhưng giảm sức nóng, không còn là đòn bẩy mạnh mẽ tạo ra các cú đột phá nữa. TPHCM rơi vào tình trạng phát triển chậm, đi ngang không bứt tốc lên được. Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ nhiều điểm yếu, tăng trưởng GRDP có giai đoạn bị âm 24,97%.
Đất đai là nguồn tạo ra thặng dư cho TP, doanh nghiệp và người dân đã cạn. Điều này đã dẫn đến các công ty BĐS lớn như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Bitexco… dịch chuyển sang các tỉnh lân cận.
Hình thành các động lực mới
Từ thực tế trên, TPHCM cần tìm ra những động lực mới kết hợp với những động lực đã có nhưng vẫn còn tác dụng. Theo đó, TP cần nhanh chóng và quyết liệt chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng hơn số lượng, không quảng canh mà thâm canh trên diện tích hẹp và nhân công ít. Vì thế, động lực để thúc đẩy TPHCM trước mắt và lâu dài là chuyển đổi sang xã hội số.
Xã hội số được coi là động lực, mục tiêu và nền tảng của phát triển. Cùng với công nghiệp, hệ thống dịch vụ buộc phải chuyển đổi sang “thông minh hơn”. Xã hội số được sử dụng trong hành chính công, quản lý xã hội (gồm quản lý dân số, môi trường, trật tự xã hội, an toàn và an sinh xã hội). Các ngành như giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng của xã hội số.
Chuyển đổi số sẽ tham gia đến từng tế bào xã hội, như thế mới có được xã hội phát triển không lạm dụng tài nguyên. Những lợi thế về đất đai rộng lớn giá rẻ, lao động phổ thông đông đảo giá rẻ, thị trường tiêu thụ dễ tính, tính địa phương hóa cao không còn nữa, TPHCM cần tính đến những cách thức khai thác hiệu quả nền kinh tế không sử dụng nhiều tài nguyên mà thiên về chất xám. Đó chính là động lực mạnh mẽ, bền bỉ cho TPHCM.
Do vậy những năm tới TPHCM muốn đạt được tăng trưởng dương liên tục 6-7,5%, bắt buộc phải tập trung đột phá vào cơ sở hạ tầng giao thông. Đó được coi là động lực đầu tiên quan trọng nhất, bởi giao thông là huyết mạch cơ thể đô thị, nếu cứ tắc nghẽn, lòng vòng, chậm chạp như hiện nay không nhà đầu tư nào đến, hàng hóa làm ra khi đến địa chỉ cần thì giá cả bị đội lên.
Do vậy phải hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng theo hướng hiện đại ở mức tốt nhất thông qua 8 dự án trọng điểm, cấp bách với tổng vốn đầu tư khoảng 81.225 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án vành đai; mở rộng 5 tuyến quốc lộ hướng tâm tại các cửa ngõ TP ở các hướng Bắc, Tây-Bắc, Tây-Nam, phía Nam, phía Đông và đầu mối giao thông kết nối tới sân bay Tân Sơn Nhất; cảng Cát Lái - KCN Phú Hữu.
Đồng thời hoàn thiện cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 6-8 làn xe; xây dựng cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69km quy mô 6-8 làn xe; TPHCM - Mộc Bài quy mô 4-6 làn xe; Bến Lức - Long Thành quy mô 6-8 làn xe; nạo vét 5 luồng hàng hải (luồng Sài Gòn - Vũng Tàu; sông Soài Rạp; sông Đồng Nai; sông Đồng Tranh - Tắc Bài - Tắc Cua - Gò Gia; luồng Sông Dừa - Tắc Dinh Cậu; sông Sài Gòn); xây 41 bến cảng…
Cùng với đó tiến hành tái cấu trúc hệ thống công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại dựa trên thành tựu của công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. TPHCM chỉ chấp nhận nhà đầu tư mới đạt được 6 tiêu chí: sử dụng mặt bằng không lớn; không sử dụng quá nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông; sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; rác thải, khí phát thải, nước thải trong và sau quá trình sản xuất thấp; công nghệ, kỹ thuật sản xuất và cung cách quản lý mới được chuyển giao cho địa phương… TPHCM nên định hướng chuyển đổi các KCX-KCN truyền thống theo hướng thành KCN sinh thái, khu công nghệ cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật tiên tiến.