Động lực cho nông nghiệp hữu cơ

(ĐTTCO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ DN nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Liệu đây có là tin vui với DN nhỏ làm nông nghiệp hữu cơ? 
ĐTTC đã trao đổi với chị PHẠM PHƯƠNG THẢO, Tổng giám đốc CTCP Organica, người đã có 5 năm khởi nghiệp lĩnh vực này.
PHÓNG VIÊN: - Theo chị, Nghị định 109 có tạo động lực cho các DN nhỏ, hợp tác xã và hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ?
Chị PHẠM PHƯƠNG THẢO: - Đây là tin vui đối với những ai có ý định làm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lâu nay có nhiều người muốn lấy chứng nhận này nhưng do chi phí cao nên còn e ngại. Việc có được chứng nhận hữu cơ sẽ giúp nhà sản xuất có cơ sở tạo niềm tin với người tiêu dùng, cũng như trong chinh phục thị trường trong nước và thế giới.
Đây cũng là cơ hội thử nghiệm những sản phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế, có được người tiêu dùng hưởng ứng và ủng hộ. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn những tiêu chí để được hưởng những chính sách ưu đãi này. Trước đến nay chúng ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, song những thủ tục lại làm khó nông dân và DN, nên thực tế người được hưởng chính sách rất ít. Hy vọng cùng với sự quyết tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền, chính sách hỗ trợ chứng nhận mới sẽ dễ tiếp cận hơn với nông dân và DN. 
Động lực cho nông nghiệp hữu cơ ảnh 1 Chuỗi cửa hàng nông nghiệp hữu cơ Organica. 
Khi chọn làm nông nghiệp hữu cơ phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó có việc tiếp cận người tiêu dùng. Bởi không phải có chứng nhận là người tiêu dùng sẽ mua hàng của mình, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang mất niềm tin vào các giấy tờ chứng nhận. Hơn nữa đa phần người mua nghĩ rau hữu cơ chỉ là rau sạch nhưng lại bán giá cao, nên họ chỉ mua rau an toàn.
Để tạo niềm tin cho khách hàng có giấy chứng nhận chưa đủ mà phải có các thông tin minh bạch, cam kết tiêu chí kinh doanh trong lâu dài để khách có thời gian đánh giá và cảm nhận.
- Organica đã làm như thế nào để vượt qua những khó khăn này để chinh phục người tiêu dùng. Với chính sách mới và xu hướng tiêu dùng hiện nay, theo chị nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn trong tương lai? 
- Organica bắt đầu làm trang trại hữu cơ từ đầu năm 2013, đến cuối năm 2015 chúng tôi đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế của USDA và EU. Việc tiếp cận khách hàng không dễ dàng như tôi đã nói ở trên.
Vì vậy, Organica vẫn phải thực hiện các chương trình vừa bán hàng và cung cấp thông tin để khách hàng hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ và thực phẩm hữu cơ. Chỉ khi đã hiểu rồi khách hàng mới ủng hộ, mới tin và gắn bó lâu dài. Để làm được điều này là quá trình nỗ lực không ngừng của chúng tôi.
Diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ tại nước ta tăng lên khá nhanh trong thời gian qua, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng nhiều hơn về loại thực phẩm này. Nhưng so với tổng diện tích canh tác nông nghiệp nói chung, diện tích hữu cơ vẫn còn khiêm tốn. Đa số diện tích hữu cơ mới phát triển các sản phẩm dễ chế biến như lúa gạo, trà, dừa… vì các DN định hướng xuất khẩu.
Đó cũng là biểu hiện cho thấy thị trường tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất nhỏ bé. Vì thế, việc phát triển nhanh chóng thực phẩm hữu cơ trong thời gian tới khó xảy ra. Nguyên nhân do nhiều người tham gia kinh doanh thực phẩm hữu cơ trong vài năm qua, trong khi khách hàng tăng không tương ứng, dẫn tới việc chia sẻ khách hàng trong một thị trường rất nhỏ.
- Trong khi nhiều DN chọn con đường xuất khẩu, vì sao Organica lại chọn phát triển chuỗi cửa hàng trong nước và điều gì đã giúp chị kiên định theo con đường này? 
- Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn nhỏ nhu cầu của thế giới lại rất lớn, nhiều DN đã nhìn ra cơ hội này để xuất khẩu. Khi Organica có được chứng nhận của USDA và EU đã nhận được đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản, nhưng chúng tôi quyết định đi con đường khác.
Ý tưởng kinh doanh của tôi bắt đầu từ nhu cầu tìm kiếm rau sạch, thực phẩm sạch cho các bà mẹ mang thai. Tôi mong muốn có cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ đúng nghĩa cho những người tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy Organica đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ, không đầu tư vào các mặt hàng xuất khẩu mà tập trung trồng rau. Các sản phẩm bán tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica chủ yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của các gia đình.
Trồng rau hữu cơ khó, bán rau hữu cơ còn khó hơn. Người ta nói “sáng rau chiều rác” cho thấy rủi ro rất lớn khi kinh doanh thực phẩm tươi sống. Nhưng tôi đã chọn con đường này và đã đi suốt 5 năm qua nên sẽ tiếp tục, tìm cách vượt qua khó khăn. Hy vọng khách hàng sẽ hiểu và ủng hộ Organica cũng như những người kinh doanh thực phẩm hữu cơ khác.
- Xin cảm ơn chị.
Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ về khuyến nông; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam; định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình khuyến nông. 
(Theo Nghị định 109 của Chính phủ)

Các tin khác