Thời gian qua, với những chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp chính quyền, Việt Nam đã có một cuộc vận động lớn chưa từng có về chuyển đổi số. Có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những nước rất tích cực chuyển đổi số, từ đó chúng ta tin tưởng có được sự khác biệt, bứt phá trong vấn đề này.
Không “đánh trống bỏ dùi”
Điều quan trọng nhất là lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm thường xuyên, giám sát, đánh giá, cổ vũ, động viên để không “đánh trống bỏ dùi” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Việt Nam đã có Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10, đó là một niềm vui lớn của toàn dân và của cộng đồng công nghệ thông tin. Nhưng nó cũng nói lên trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Việc thanh toán các giao dịch qua ứng dụng số, không dùng tiền mặt đã phổ biến ở chợ Trung tâm Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: TRẦN BÌNH
Những tập đoàn, doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT… đang đóng vai trò lôi kéo cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhau xây dựng những dịch vụ số để phục vụ cho chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Cộng đồng công nghệ thông tin hãy đi cùng nhau, đi cùng các tập đoàn nền tảng số để cùng thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia, làm nên một Việt Nam mới.
Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này, góp phần hướng tới mục tiêu kinh tế số Việt Nam có thể chiếm 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và phấn đấu 30% vào năm 2030.
Chuyển đổi số bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh, được xem là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025 cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng địa phương và của cả quốc gia.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, về mặt chính sách, ngoài Nghị quyết 52-NQ/TW (ngày 27-9-2019) của Bộ Chính trị và Nghị quyết 50-NQ/CP (ngày 17-4-2020) của Chính phủ ban hành chương trình hành động, thì điều đáng mừng là tất cả các địa phương đã ra nghị quyết về chuyển đổi số. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ số cũng đã vào cuộc rất nhanh, hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Chính phủ.
Chuyển đổi từ con người
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa GRDP, cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh của địa phương, mức độ hài lòng của người dân, cải cách hành chính và năng lực đổi mới, sáng tạo tại địa phương. Thực tiễn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương và doanh nghiệp cho thấy, điều khó nhất chính là nhận thức, tư duy của con người. Nhận thức ấy không đến từ lý thuyết chung chung, phải đến từ thực hành, trải nghiệm; từ thái độ phải nghiêm túc trả lời những câu hỏi cần làm gì, lộ trình như thế nào và nguồn lực ở đâu?
Suy cho cùng, bản chất chuyển đổi số là chuyển đổi con người. Về thủ tục hành chính, chuyển đổi số nghĩa là không giấy tờ, không tiền mặt, không chạm và tác nghiệp với chi phí bằng không, hồ sơ không phải lưu trữ, sản phẩm có thể đi thẳng ra thị trường…
Nguồn: Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Đồ họa: NGỌC TRÂM
Cụ thể như chuyển đổi số trong nông nghiệp không còn xa lạ nữa, khi người nông dân và doanh nghiệp nhiệt tình tham gia vì thấy có lợi ích rõ ràng. Với giáo dục, giao thông, y tế… cũng như vậy. Khi người dân hiểu chuyển đổi số là đem lại lợi ích, giúp cuộc sống thuận tiện và tốt hơn, thì người dân sẽ nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi số và sẽ sử dụng công nghệ số như một phương tiện làm việc hàng ngày. Đó chính là động lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thực tế cho thấy, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát là lúc có rất nhiều sản phẩm công nghệ hay đã được tạo ra, bởi sáng tạo thực chất phát sinh từ khó khăn, để giải quyết những nhu cầu mới của cuộc sống. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc hỗ trợ cứu mạng người trong dịch Covid-19, hỗ trợ chẩn đoán, chăm sóc F0 tại nhà…
Công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết những nhu cầu thật. Có vậy mới đưa công nghệ gần gũi với con người - công nghệ vị nhân sinh. Chuyển đổi số đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người dân, mỗi doanh nghiệp, chứ không còn trên các diễn đàn hội thảo, hay các cuộc thảo luận của dân kỹ thuật, công nghệ.
Tính đến tháng 6-2022, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ TT-TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. Tất cả 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7% (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9% (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021). Nguồn: Bộ TT-TT |