Đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 2
Tuyến metro số 2 có chiều dài hơn 11km với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng. Tuyến này đi qua 6 quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú; giải tỏa 602 hộ dân, di dời hạ tầng kỹ thuật 28 đơn vị như cấp nước, cây xanh, ánh sáng, viễn thông. Dự án có tổng diện tích 251.136m2 phải GPMB với 602 trường hợp bị giải tỏa, trong đó 111 trường hợp đã nhận tiền, 55 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Hiện UBND các quận đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR).
Khu đô thị Tây Bắc sẽ dễ dàng kết nối các khu vực lân cận khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Về tiến độ dự án, MAUR cho biết đang chuẩn bị đấu thầu các gói thầu tư vấn và thi công chính trong năm 2020, sẽ trao thầu, ký hợp đồng năm 2021. Theo MAUR, TP sắp phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở cho các quận, huyện ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Riêng ga Tân Bình đã có mặt bằng sạch để chuẩn bị khởi công dự án, như đã có nhà điều hành, xây dựng nhà tái định cư cho người dân. Theo MAUR, tuyến metro số 2 khi bắt đầu vận hành sẽ có 10 đoàn tàu với 3 toa tuyến có khả năng chuyên chở 170.000 hành khách/ngày. Vào giai đoạn 10 năm sau, tuyến sẽ có 14 đoàn tàu và 6 toa có thể đáp ứng nhu cầu lên đến hơn 480.000 khách/ngày. Cuối năm 2019, metro 2 đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trong buổi khảo sát tiến độ dự án của HĐND TP mới đây, ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ngân sách HĐND TP, cho biết sau chuyến khảo sát 2 tuyến metro số 1 và số 2, Ban Đô thị HĐND TP sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của MAUR, sau đó báo cáo Thường trực HĐND TP xem xét, giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Trong quá trình đi khảo sát, đoàn công tác của Ban Đô thị HĐND TP ghi nhận những cố gắng, khẩn trương và tinh thần trách nhiệm cao của MAUR trong thời gian qua. Đây cũng là điều mong đợi của người dân TP, bởi dự án này hoàn thành sẽ góp phần điều phối giao thông, giảm áp lực kẹt xe và cũng là chiến lược phát triển giao thông công cộng của TPHCM.
Điều chỉnh quy hoạch Tây Bắc
Việc đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 2 được xem là nền tảng để cửa ngõ Tây Bắc phát triển đột phá trong thời gian tới. Mới đây UBND TPHCM giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc. Khu đô thị này sẽ là trung tâm cấp TP với các chức năng dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Dân số quy hoạch đến năm 2025 là 300.000 người.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, cho rằng bế tắc lớn nhất khiến khu Tây Bắc TP chậm phát triển vẫn là hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa được đầu tư đồng bộ để kết nối khu vực này với khu vực các quận nội thành, cũng như kết nối với các địa phương lân cận. Khi các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng kết nối trung tâm với khu vực Củ Chi, Hóc Môn, các dự án có quy mô lớn được tái khởi động, quỹ đất dồi dào… sẽ là động lực để cửa ngõ Tây Bắc TPHCM bứt phá phát triển. Dự án metro 2 được kỳ vọng tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TP phát triển mạnh trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, nhận xét theo điều chỉnh quy hoạch mới ưu tiên bố trí các công trình cao tầng của các khu dân cư mới dọc trục giao thông chính, có động lực phát triển, như trục song hành Quốc lộ 22, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)… không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2. Như vậy nếu tuyến metro số 2 được kéo dài đến Củ Chi, đây sẽ là cú hích về hạ tầng cho Tây Bắc phát triển.
Đặc biệt, khu Tây Bắc tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, khu vực đang phát triển nhanh, năng động. Trong khi đó, từ Củ Chi có thể kết nối với Đông Nam Á qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Có thể nói Tây Bắc là vùng đất khá nhiều tiềm năng của TP mà chúng ta đã lãng quên từ nhiều năm qua.
Nếu TPHCM sớm nghĩ đến việc tạo ra 1, 2 trung tâm mới hiện đại hơn, tiện ích hơn ở cách xa trung tâm hiện hữu chừng 20-30km, chắc chắn diện mạo, sức sống của TP sẽ khác đi rất nhiều. Gần đây nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã để mắt tới Củ Chi nhưng chưa dám mạnh dạn bỏ vốn lớn, do còn trông đợi vào những quy hoạch căn cơ, bài bản và rõ ràng. TPHCM đang cần tư duy mới, mạnh dạn hơn, tầm cỡ hơn trong quy hoạch không gian.
Tây Bắc TPHCM tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, khu vực đang phát triển nhanh, năng động. Trong khi đó, từ Củ Chi có thể kết nối với Đông Nam Á qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tiềm năng này của vùng Tây Bắc đang bị lãng quên từ nhiều năm qua. TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học |