Từ năm 2009, để thực hiện di dời hệ thống cảng biển khu vực trung tâm TPHCM ra khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), việc nạo vét luồng Soài Rạp được tiến hành khẩn trương. Đến nay giai đoạn 2 dự án này đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ cho việc thông thương hàng hóa, đồng thời tạo động lực giúp những cảng tại đây cạnh tranh với những cảng biển lớn trong khu vực.
Trung tâm kinh tế cảng biển TPHCM
Không chỉ ở TPHCM, dự án nạo vét sông Soài Rạp được triển khai tại 3 tỉnh lân cận Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Dự án được thực hiện trong 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2009-2010 nạo vét đến độ sâu âm 9,5m để tàu có trọng tải 30.000-50.000 tấn cập cảng; giai đoạn 2012-2013 nạo vét đến độ sâu âm 11m cho tàu có trọng tải 50.000-70.000 tấn cập cảng; giai đoạn cuối cùng là sau năm 2015, nạo vét đến độ sâu âm 12m để đáp ứng tàu có trọng tải 70.000 tấn cập cảng.
Theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án nạo vét luồng Soài Rạp (thuộc Sở Giao thông-Vận tải TPHCM), giai đoạn 2 của dự án có chiều dài 54km, từ khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ, qua gần 14 tháng thực hiện, khối lượng nạo vét khoảng 12,4 triệu m3, đạt hơn 99% kế hoạch. Nhà thầu hoàn thành cơ bản công tác nạo vét và vượt tiến độ nửa tháng so với kế hoạch.
Dự kiến cuối tháng 6 này, luồng Soài Rạp sẽ hoàn công và chính thức đưa vào sử dụng, đồng thời tiến hành công bố luồng hàng hải Soài Rạp. Tổng mức đầu tư dự án 2.797 tỷ đồng, trong đó vốn tài trợ từ Vương quốc Bỉ 76 triệu euro và vốn đối ứng của phía Việt Nam 624 tỷ đồng.
Trong buổi kiểm tra thực địa dự án nạo vét luồng Soài Rạp và dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh đây là khu vực cảng quan trọng, sản lượng hàng hóa sẽ đạt 150-200 triệu tấn/năm. Cảng Hiệp Phước là trọng tâm của hệ thống cảng biển phía Nam, nơi trung chuyển hàng hóa đi các nước.
Do vậy phải tập trung hoàn thiện hệ thống cảng hiện đại, năng lực bốc dỡ hàng hóa, cải thiện dịch vụ logictics và phải hoàn chỉnh quy hoạch gắn với tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế cảng biển để cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực.
Tăng cường kết nối hạ tầng
Trao đổi với ĐTTC, ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng giám đốc CTCP KCN Hiệp Phước, cho biết lợi thế lớn nhất của KCN Hiệp Phước là có hệ thống cảng biển được quy hoạch trong KCN. Những khách hàng đến KCN Hiệp Phước phần lớn có nhu cầu sử dụng cảng biển và đây là tiền đề để KCN Hiệp Phước thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, KCN Hiệp Phước là một thành tố của Khu đô thị cảng Hiệp Phước, bao gồm các chức năng KCN, cảng biển, đô thị dịch vụ.
Theo mô thức chung về phát triển đô thị, các đầu mối về giao thông, thương mại sẽ đi trước một bước, từ đó kéo các đô thị dịch vụ vệ tinh phát triển theo. Lợi thế của cụm cảng mới tại Hiệp Phước nằm trong khu đô thị cảng Hiệp Phước, gần cửa Soài Rạp hướng ra biển Đông, có vị trí thuận lợi để phát triển thành cảng trung chuyển trong tương lai (gần biển, mớn nước sâu, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn), phù hợp với xu thế phát triển cảng biển và phương thức vận tải biển hiện đại trên thế giới.
Tại KCN Hiệp Phước có 3 cảng lớn, gồm Cảng SPCT (giai đoạn 1) quy mô 40ha với 500m cầu cảng đã hoàn thành; Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước quy mô 15ha với 300m cầu cảng dự kiến cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động; Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước quy mô 54ha đang xây dựng 300m cầu cảng. Trước đây, tàu vào hệ thống cảng TPHCM bằng sông Lòng Tàu chỉ đáp ứng tàu có tải trọng 25.000-30.000 tấn, quãng đường dài hơn 40km, thời gian di chuyển mất 6 tiếng.
Nhưng khi luồng Soài Rạp được khơi thông đã giúp các hãng tàu ra vào cảng TPHCM dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí hoa tiêu. Trung tuần tháng 5-2014, Cảng SPCT đã đón tàu container Northern Genius (Nhật Bản) tải trọng 54.020 tấn vào cảng với hải trình ngắn hơn sông Lòng Tàu 20km, thời gian mất khoảng 3 tiếng.
![]() |
Tàu container Northern Genius (Nhật Bản) 54.020 tấn vào cảng SPCT (TPHCM) |
Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra cho hệ thống cảng biển Hiệp Phước là mạng lưới hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ chưa được đầu tư đồng bộ. Điển hình là Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước dù đã đầu tư xong 300m cầu cảng, nhưng tuyến đường D3 dài gần 2km và 2 cây cầu kết nối vào cảng chưa được xây dựng. Theo ghi nhận, việc vận chuyển hàng hóa từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hiện nay chỉ bằng đường thủy vì chưa có đường bộ vào cảng.
Để tháo gỡ khó khăn cho Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, mới đây TP đã chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng tuyến đường trên bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Có thể nói, việc đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp đang tạo tiền đề cho đô thị cảng Hiệp Phước phát triển, đồng thời hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hướng ra biển Đông của TPHCM.
Song, để phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời tránh tình trạng có cảng không có đường như thời gian qua, nhà đầu tư, đơn vị phát triển hạ tầng KCN cần phối hợp với các cơ quan, ban ngành nghiên cứu đầu tư, kết nối hoàn chỉnh giữa các tuyến đường thủy nội địa với mạng lưới giao thông đường bộ (đường vành đai, cao tốc, metro).