Đồng Tháp-Cùng nhau xây dựng, quản lý và thụ hưởng

(ĐTTCO) - Ở Đồng Tháp, các mô hình hội quán, tổ nhân dân tự quản, cà phê doanh nghiệp… đi vào cuộc sống như một luồng gió mới, hướng đến sự hài hòa giữa 3 chủ thể chính quyền - thị trường - xã hội, tiến tới kích hoạt vai trò quản trị địa phương theo phương châm "cùng nhau xây dựng - cùng nhau quản lý - cùng nhau thụ hưởng".  Nhờ sự chung sức, chung lòng đó, vùng đất sen hồng đạt được những kết quả khích lệ trên nhiều mặt.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 trái sang) nghe giới thiệu sản phẩm nông thủy sản thế mạnh của tỉnh tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Văn Khương
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 trái sang) nghe giới thiệu sản phẩm nông thủy sản thế mạnh của tỉnh tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Văn Khương
Phát huy thế mạnh 
Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2020 ngành nông nghiệp của địa phương vẫn đạt giá trị hơn 1.284 tỷ đồng, tăng 1,39% so cùng kỳ.
Điểm nổi bật là UBND TP đã làm việc với các doanh nghiệp, HTX… để liên kết tiêu thụ nông sản trên 592ha đất nuôi trồng. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận Global GAP cho HTX Xoài Tân Thuận Tây với diện tích hơn 13,2ha; lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng cho 17 loại nông sản; tái chứng nhận 6 mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích đã cấp mã số vùng trồng nông sản trên địa bàn lên 820ha. 
Hiện TP Cao Lãnh đã hoàn tất thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn lập đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2030. Đến nay, 7/7 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và TP Cao Lãnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM.
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển đúng định hướng. Ngành chế biến thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi ở Đồng Tháp đứng đầu khu vực ĐBSCL; gạo và thủy sản tiếp tục giữ vững vị thế mặt hàng chủ lực, với giá trị xuất khẩu năm 2020 ước gần 1,2 tỷ USD. Đây là những điểm sáng đáng tự hào. 
 Đồng Tháp-Cùng nhau xây dựng, quản lý và thụ hưởng ảnh 1 Xoài Cao Lãnh, thế mạnh phục vụ xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HUỲNH LỢI
Cùng với nông nghiệp, du lịch cũng là thế mạnh của Đồng Tháp. Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Chúng tôi không ngừng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch. Các hoạt động này được triển khai chu đáo thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan tại các địa điểm như làng hoa Sa Đéc, làng bột Sa Đéc, khu du lịch văn hóa Phương Nam, vườn quýt hồng Lai Vung, Vườn quốc gia Tràm Chim... ước cả năm 2020 tổng số khách đến tham quan khoảng 3 triệu lượt, doanh thu du lịch ước hơn 900 tỷ đồng". Đầu tư phát triển đồng bộ 
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định thời gian qua Đồng Tháp thực hiện những quyết sách lớn như tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; đưa lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài, đã lan tỏa sâu rộng trong xã hội, đạt được nhiều thành công. Đó là nền tảng để tỉnh tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Có thể thấy, Đồng Tháp đi lên từ nông nghiệp và nhiều năm nữa vẫn dựa vào nông nghiệp.
Nhưng đó phải là nền nông nghiệp giá trị cao, hướng đến hội nhập. Nông nghiệp theo tư duy mới, không chỉ là trồng trọt, chăn nuôi, còn là chuyện bán, chuyện mua, chuyện chất lượng, giá cả. Nền nông nghiệp này có sự tương tác với khoa học công nghệ, là công nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, thương mại dịch vụ phục vụ nông nghiệp, làng nghề nông thôn, giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống xã hội nông thôn…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; xúc tiến hình thành chuỗi giá trị hoa kiểng, hoa màu, trái cây; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo, cá tra; nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc. Tăng cường vai trò nhà nước trong hỗ trợ chuỗi liên kết nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao”. 
Một trong những quyết tâm của Đồng Tháp là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, khai thác có hiệu quả các khu du lịch trọng điểm, với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa. Đầu tư hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng khu, điểm du lịch.
Tạo điều kiện phát triển mạnh du lịch cộng đồng, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, sản phẩm làng nghề; xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái gắn với chương trình OCOP và NTM; đào tạo nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào du lịch.
Phát huy giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng và giá trị văn hóa phi vật thể “hò Đồng Tháp”; xây dựng và đưa vào hoạt động Làng văn hóa du lịch Sa Đéc; hoàn thiện sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, các vườn quýt hồng, vườn xoài và vườn nhãn...

Các tin khác