Ngoài ra, Đồng Tháp còn chủ động hợp tác với các tỉnh thành, kết nối với các công ty lữ hành nhằm quảng bá và phát triển du lịch.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, những năm qua tỉnh chủ động liên kết với TPHCM nhằm phát triển du lịch trên nhiều mặt. Cụ thể từ năm 2019 đến nay, sau khi diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL được tổ chức thành công, nhiều nội dung phối hợp về quảng bá, xúc tiến du lịch giữa Đồng Tháp với TPHCM mang lại những kết quả rõ rệt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và du khách tiếp cận nhiều sản phẩm du lịch chất lượng.
Đầu năm 2020, TPHCM và Đồng Tháp cùng các tỉnh ĐBSCL đã xây dựng và công bố thương hiệu du lịch vùng để quảng bá, truyền thông và xúc tiến chung cho liên kết vùng. Song song đó, Đồng Tháp là địa phương được đưa vào tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên”, nhằm tạo nên sức hấp dẫn về sản phẩm du lịch đặc trưng của liên kết vùng.
Các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM rất chú trọng và quan tâm khai thác chương trình du lịch phục vụ khách du lịch nội địa đến các điểm du lịch tại Đồng Tháp. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồng Tháp thu hút khách như: du lịch gắn với mùa nước nổi, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề truyền thống, làng hoa Sa Đéc nổi tiếng, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực vùng đất sen hồng…
Các chương trình du lịch kết nối từ TPHCM đến Đồng Tháp và liên tuyến với các tỉnh khác tại ĐBSCL thường được khai thác như “TPHCM - Khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt - Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng”; “TPHCM - Cao Lãnh - Vườn quốc gia Tràm Chim - Khu di tích Gò Tháp”; “TPHCM - Làng hoa Sa Đéc - các làng nghề truyền thống tại Sa Đéc - Khu du lịch văn hóa Phương Nam”; “TPHCM - trải nghiệm đời sống miệt vườn tại các Homestay”, hay tuyến “TPHCM - Đồng Tháp - Campuchia”; “TPHCM - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang”… Với sự đa dạng trên đã góp phần đưa nhiều du khách đến với Đồng Tháp.
Đồng Tháp có khoảng 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, những năm gần đây phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề… Các loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững, còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy nét văn hóa bản địa.
Đặc biệt, trong bối cảnh bình thường mới, loại hình này càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới. Các mô hình khá thành công thời gian qua như du lịch cộng đồng tham quan đồng sen ở huyện Tháp Mười, du lịch cộng đồng ở làng hoa Sa Đéc - là một trong 10 làng văn hóa du lịch của cả nước; ngoài ra còn nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác thu hút đông đảo khách từ TPHCM và các nơi đến vui chơi…
Bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng 2 địa phương liên kết theo hướng lấy liên kết song phương làm chủ đạo và mở rộng đến các địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.
Để các sản phẩm du lịch giữa TPHCM và Đồng Tháp trở nên hấp dẫn với khách du lịch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đề nghị 2 địa phương cùng chỉ đạo ngành du lịch khẩn trương thống nhất các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch để làm cơ sở tổ chức các chương trình du lịch liên tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu bộc bạch, thời gian qua tỉnh rất trân trọng sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng TPHCM và các công ty lữ hành, đã giúp Đồng Tháp trong phát triển du lịch. Vì vậy, Đồng Tháp luôn sẵn sàng hợp tác với TPHCM trên nhiều mặt, nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển…