Thanh khoản tăng 1.167%
Mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), về việc để hệ thống nghẽn lệnh kéo dài.
Hệ thống xuất hiện tình trạng này lần đầu vào cuối tháng 12-2020. Nhưng nhìn lại đầu năm 2020 – khi dịch bệnh chưa bùng phát, giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 96 triệu USD (tương đương 2.250 tỷ đồng). Con số này chỉ xếp trên Philippines và kém thị trường đứng đầu khu vực Đông Nam Á là Thái Lan đến 16 lần.
Cục diện thay đổi nhanh chóng sau một năm "Covid".
Trong khi thanh khoản các thị trường khác có dấu hiệu đi xuống, Việt Nam vẫn không ngừng đi lên. Đến giai đoạn hệ thống trục trặc vào cuối năm, giá trị khớp lệnh mỗi phiên trên HoSE đã tăng 483% và vượt Philippines, Malaysia. Khoảng cách về thanh khoản so với thị trường Thái Lan cũng thu hẹp xuống còn 7 lần.
Giá trị khớp lệnh mỗi phiên từ đầu tháng 6 đến nay luôn trên 1 tỷ USD (trừ phiên ngày 1-6 đạt 905 triệu USD vì HoSE ngừng giao dịch buổi chiều để tránh sự cố hệ thống). Như vậy, trong vòng chưa đầy 18 tháng, thanh khoản sàn HoSE tăng 1.167%, và bình quân mỗi phiên lớn hơn tổng giá trị giao dịch của sàn Singapore, Malaysia, Philippines cộng lại.
Thanh khoản tăng dần qua từng tháng, theo đánh giá của các nhóm phân tích, đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước dịch chuyển từ các kênh đầu tư khác sang chứng khoán.
Sự tăng trưởng nóng của chứng khoán Việt Nam càng rõ hơn khi đặt trong bàn cân vốn hoá thị trường. Thanh khoản vọt lên nhưng vốn hoá Việt Nam biến động không tương xứng, khi chỉ tăng 125% so với đầu năm 2020 và cải thiện một bậc, từ hạng 6 lên hạng 5 trong khu vực.
Tính đến hết phiên giao dịch 9-6, vốn hoá thị trường đạt 217 tỷ USD (tương đương khoảng 5 triệu tỷ đồng) và chưa bằng phân nửa Indonesia hay Thái Lan.
VN-Index thăng hoa, nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhưng vốn hoá thay đổi chậm chạp một phần đến từ việc HoSE ngừng nhận hồ sơ niêm yết mới để giảm tải cho hệ thống, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết chuyển sang giao dịch tạm thời tại sàn chứng khoán Hà Nội.
Loay hoay các phương án
Hệ thống và công nghệ của HoSE được nhóm chuyên gia của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan bàn giao cách đây 20 năm, hiện nay không thể điều chỉnh để mở rộng.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hệ thống từ đầu năm 2020 trở về trước chưa bao giờ tiếp nhận trên 154.000 lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, cuối năm 2020, con số này vượt 600.000 lệnh, và bắt đầu phát những tín hiệu cảnh báo. Hiện tại, số lượng lệnh xử lý mỗi phiên đã 867.000 lệnh - gần chạm công suất trần 900.000 lệnh mỗi phiên.
Số lệnh tối đa được mã hoá cứng theo công nghệ cũ, và chia 80% lệnh cho thành viên thị trường, 20% lệnh để dự phòng. Ban đầu hệ thống phân bổ cho mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh, sau đó tiếp tục chia theo tỷ trọng lệnh bình quân vào hệ thống 30 ngày gần nhất.
Trong giai đoạn thị trường "nóng", HoSE thay đổi cách phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán, nên có hai giai đoạn thanh khoản được cải thiện từ 12.000-13.000 tỷ đồng mỗi phiên lên 16.000-17.000 tỷ đồng, và sau đó lên khoảng 21.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhu cầu giao dịch tăng vọt khiến phương án này không giải quyết triệt để. Hệ thống vẫn nghẽn theo dây chuyền từ khi nhà đầu tư đặt lệnh, lệnh chuyển vào hệ thống của công ty chứng khoán, rồi công ty chứng khoán chuyển vào hệ thống của HoSE khớp lệnh và đi theo chiều ngược lại để trả kết quả.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán vốn nước ngoài, cho biết lệnh phân bổ về công ty này được sử dụng rất nhiều trong buổi sáng, nhất là những phút đầu và chuyển phiên. Điều này dẫn đến tình trạng buổi chiều nhà đầu tư có thể mất 5-10 phút mới gửi lệnh thành công, thay vì trong tích tắc như trước. Khi hệ thống nhận và xử lý lệnh thì giá đã biến động rất khác so với lúc ra quyết định mua bán.
Nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi về tầm nhìn phát triển thị trường khi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước hay HoSE đã không tính dự phòng cho hệ thống, làm "đường" sẵn trước khi đón dòng xe cộ chảy vào.
Trả lời VnExpress, lãnh đạo cả Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lẫn HoSE đều khẳng định "đã tính dự phòng", nhưng "không kịp trở tay". Hơn nữa, họ cho rằng ở góc độ quản lý, để đảm bảo tính hiệu quả khi đầu tư thì thông lệ chung là giới hạn mức độ dự phòng một cách hợp lý để tránh lãng phí.
"Không ai dùng máy bay 200 chỗ để thường xuyên chở 20 khách hoặc làm con đường 10 làn xe chỉ để sử dụng thường xuyên 2 làn, bởi nó quá lãng phí", một đại diện HoSE giải thích.
Trong nửa năm qua, hàng loạt các ý tưởng được nêu ra, nâng lo giao dịch từ 10 lên 100, sau đó lên 1.000, hay tạo "cơ chế mềm" để các công ty chứng khoán ngừng hủy sửa lệnh cũng được tính đến, nhưng thực tế hệ thống vẫn chưa bớt gánh nặng.
Trong lúc đó, hệ thống của FPT xây dựng với công suất xử lý 3-5 triệu lệnh mỗi phiên dự kiến ra mắt vào tháng 7 trở thành hy vọng tạm thời của các nhà đầu tư.
CEO một công ty chứng khoán cho rằng, trong bối cảnh dòng tiền rất khoẻ, làm sao để hệ thống chạy thông suốt là ưu tiên hàng đầu.
"Nhà đầu tư không được đáp ứng toàn bộ mong muốn nhưng điều đó vẫn tốt hơn sẽ chịu thiệt nếu xảy ra sự cố, buộc dừng giao dịch dài ngày", vị này nói.