Trong một báo cáo mới đây, Chainalysis đã công bố danh sách 25 quốc gia kiếm được nhiều lợi nhuận nhất từ sự tăng trưởng của Bitcoin trong năm 2020.
Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ đã kiếm lời tới 4,1 tỷ USD nhờ việc đầu tư vào đồng “tiền ảo” số 1 thế giới này. Xếp ngay sau Mỹ là Trung Quốc với 1,1 tỷ USD. Các vị trí còn lại trong top 5 bao gồm Nhật Bản (0,9 tỷ USD), Anh (0,8 tỷ USD) và Nga (0,6 tỷ USD).
Đáng chú ý khi danh sách này cũng có cả sự góp mặt của Việt Nam. Theo số liệu ước tính của Chainalysis, các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 0,4 tỷ USD trong năm 2020 nhờ đầu tư vào Bitcoin.
Xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về mức độ kiếm lời liên quan đến Bitcoin. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Chainalysis, do tính phi tập trung của công nghệ, việc tìm ra vị trí của các bên trong một giao dịch tiền điện tử là rất khó khăn. Kết quả vừa công bố được ước tính bằng cách sử dụng dữ liệu giao dịch từ các dịch vụ mà Chainalysis theo dõi.
Bằng cách làm này, Chainalysis đã hình thành nên được một báo cáo về mức lợi nhuận mà các nhà đầu tư ở mỗi quốc gia kiếm được nhờ Bitcoin trong năm 2020. Mặc dù vậy, phương pháp của Chainalysis chỉ mang tính tương đối và chưa hề tính tới lợi nhuận từ các tài sản số vẫn còn ở trong các sàn giao dịch.
Theo Chainalysis, Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo về một quốc gia có mức độ tham gia vào các giao dịch tiền điện tử vượt xa so với thứ hạng nền kinh tế.
Dù chỉ đứng thứ 53 về GDP với khoảng 262 tỷ USD và được xếp hạng là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn có mức độ chấp nhận khá cao với các giao dịch tiền điện tử.
Theo đó, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Đây là một trong những chỉ số hiếm hoi mà Việt Nam có thứ hạng tương đồng các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nam Phi, thậm chí còn hơn nhiều quốc gia phát triển khác là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Tương tự với Việt Nam, hiện tượng này cũng diễn ra tại một số quốc gia khác như Cộng hòa Séc (thứ 54 về GDP, thứ 18 về thu nhập từ Bitcoin), Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 25 về GDP, thứ 16 về thu nhập từ Bitcoin) và Tây Ban Nha (thứ 19 về GDP, thứ 9 về thu nhập từ Bitcoin).
Ở chiều ngược lại, dù sở hữu nền kinh tế lớn thứ 4 với dân số đông thứ 2 thế giới, Ấn Độ đang bị bỏ lại trong nền kinh tế tiền điện tử. Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước này chỉ kiếm được 241 triệu USD từ sự tăng giá của Bitcoin, xếp thứ 18 thế giới.
Sở dĩ có điều này bởi chính phủ Ấn Độ dường như không mấy thân thiện với tiền điện tử. Ấn Độ từng cấm tất cả các giao dịch tiền điện tử tại quốc gia này, cho đến khi Tòa án Tối cao Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 3-2020.
Dù nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang kiếm lời lớn từ tiền điện tử. Vẫn phải nói rằng, đầu tư vào Bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác là một khoản đầu tư rất rủi ro. Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng và phải tìm hiểu thật kỹ trước khi có quyết định gia nhập thị trường khắc nghiệt này.