Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ, đề nghị thanh tra hai nội dung là các dự án công nghệ thông tin và cổ phiếu rác, tình trạng đẩy giá chứng khoán, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ ảo để bán giấy lấy tiền thực...
VAFI thắc mắc lý do vì sao qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp, nhưng sàn HoSE không thể làm chủ công nghệ. Cứ mỗi lần gặp trực trặc là HoSE lại khẩn cấp mời chuyên gia Sở giao dịch Thái Lan sang giải quyết.
Hiệp hội này cho rằng phải tìm hiểu xem chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HoSE ra sao. Có lẽ họ không làm chủ được công nghệ vận hành cho nên mỗi lần có sự cố thì không giải quyết được.
Cũng theo VAFI, Việt Nam là 1 cường quốc về công nghệ thông tin. Mới đây, khi FPT công bố có thể sữa chữa được tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE từ hệ thống phần mềm do Thái Lan cung cấp. Tại sao ban lãnh đạo HoSE không lựa chọn những đơn vị mạnh về công nghệ thông tin như FPT để làm nhà thầu bảo quản hệ thống giao dịch?
Một dự án VAFI kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra là phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Dự án này được khởi động từ năm 2012, với giá trị 600 tỷ đồng nhưng đã 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Vậy cần phải tìm nguyên nhân tại sao dự án chậm trễ, giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, nguyên nhân làm cho giá trị dự án tăng lên...?.
"Chúng ta cần phải biết rằng Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Thái Lan không phải là các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, họ có mảng IT và có chuyên gia IT giỏi, nhưng nhiệm vụ hàng đầu của bộ phận IT này là đảm bảo cho hệ thống của họ hoạt động trơn tru và thông suốt. Nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Cho nên bài học rút ra là khi mua công nghệ nước ngoài thì HoSE hay nhà thầu quản lý hệ thống phải làm chủ được công nghệ vận hành, phải biết khắc phục các lỗi phát sinh", Hiệp hội nhấn mạnh.
Làm sạch cổ phiếu rác
Bên cạnh đó, có tình trạng giá cổ phiếu rác này thấp hơn nhiều so với mệnh giá cổ phần (dưới 10.000 đồng) trong thời gian dài, nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng với mệnh giá cổ phần. Ai được lợi trong những thương vụ này rất cần thanh tra tài chính vào cuộc làm rõ.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cũng yêu cầu thanh tra tình trạng tạo doanh thu, lợi nhuận giả, tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền.
Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1000 đồng/CP thì cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ sập bẫy vì tưởng giá hấp dẫn.
Cùng với đó là câu chuyện công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho các doanh nghiệp. Theo VAFI, có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân, nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.
"Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng, trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng", VAFI khẳng định.
Theo cơ quan quản lý, trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM diễn ra suốt thời gian dài, từ cuối 2020 đến nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm.