Đồng ý bổ sung cơ chế chính sách tài chính - ngân sách cho Hà Nội

(ĐTTCO) - Ngày 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế,  chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Các ý kiến đều bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo nghị quyết.
Phát triển theo hướng tăng tính chủ động
Bàn thêm về việc bổ sung cơ chế chính sách tài chính -  ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP, phù hợp với thực tế phát triển, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) góp ý, không nên dùng từ “đặc thù”, bởi “bên cạnh những quy định chung, mỗi địa phương đều có điều kiện khác nhau thì cần có cơ chế riêng cho các địa phương ấy”.
Tuy nhiên trong thời gian qua, có quá nhiều quy định đặc thù ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi. “Không nên dùng từ đặc thù trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ đặc thù trong dự thảo nghị quyết. Việc bỏ đi, tôi cho rằng cũng không ảnh hưởng đến nội dung của văn bản và đây không phải sự né tránh. Cơ chế chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy, chỉ cần ghi nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính đối với thành phố Hà Nội là đủ”.
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, việc giao cho HĐND TP quyết định các loại phí và lệ phí cũng như mức phí mà không quy định mức trần là phù hợp. Nhiều nước đã thực hiện việc này. Điều quan trọng là cân nhắc mức phí một cách hợp lý để có sự đồng thuận của người dân. ĐB cũng lưu ý yêu cầu quan tâm phát triển vùng thủ đô như Luật Thủ đô đã quy định; đồng thời cân nhắc sửa đổi Luật Thủ đô cho kịp thời và phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.
Tán thành dự thảo nghị quyết, ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, lưu ý, trong số các cơ chế được đề xuất cho Hà Nội có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TPHCM trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt. Đó là, Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư.
“Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình”, ĐB Hoàng Văn Cường lý giải. Điểm khác biệt thứ 2 là cơ chế sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì để phản đối. “Còn 7 cơ chế còn lại đã thông qua cho TPHCM và đang được TPHCM áp dụng rất tốt”, ông Cường nói thêm. 
Cũng đề cập đến việc thực hiện một số cơ chế đặc biệt ở TPHCM, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận xét: “Khi thông qua nghị quyết cho TPHCM thì TPHCM đã đưa ra những cam kết rõ ràng về sự đóng góp cho cả nước, nhưng tại dự thảo nghị quyết này thì chưa thấy”. Ông Nhưỡng đề nghị xem xét bổ sung nội dung này. Khẳng định Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội và là trái tim cả nước, ĐB Lưu Bình Nhưỡng mong muốn “trái tim khỏe để cơ thể khỏe”.
Du lịch là chiếc cần câu phù hợp nhất 
Chiều 12-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 
Khẳng định sự cần thiết của việc thực hiện chương trình, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) bày tỏ băn khoăn: “Để tránh dàn trải lãng phí, cần phải có lộ trình thực hiện hàng năm với những dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính dẫn dắt thay vì cùng lúc làm cả 10 dự án thành phần trong chương trình”. Cụ thể, nên ưu tiên cho các dự án giải quyết đất ở, nước sinh hoạt, sắp xếp lại dân cư, phát triển y tế, giáo dục…
Xác định một trong những khó khăn lớn nhất trong phát triển kinh tế ở khu vực miền núi là không tìm được đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến người dân không có động lực sản xuất, ĐB Hoàng Thị Thu Trang đề nghị bổ sung vào chương trình một tiểu dự án nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, mỗi địa phương nên xây dựng những dự án riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình. “Mẫu số chung cây, con chủ lực có thể sẽ gây ra tình trạng “đồng phục”, sản xuất không hiệu quả hoặc làm ra mà không tiêu thụ được, lại phải giải cứu”, ĐB Hoàng Thị Thu Trang khuyến cáo. 
Từ kinh nghiệm thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cây vải thiều, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, việc phổ biến kiến thức và động viên bà con dân tộc chuyển đổi sản xuất theo hướng “lấy đặc sản thay cho cao sản; lấy trái vụ thay cho chính vụ; lấy thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ thay cho vô cơ” là hết sức quan trọng. Các dự án muốn thành công cần chú trọng điều này.
Lo lắng về nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị nêu rõ tiêu chí bảo tồn bản sắc vào mọi chương trình, dự án. Coi người phụ nữ như “người nắm giữ những giá trị văn hóa phi vật thể, kho báu của dân tộc mình”, đồng thời cũng là người có vai trò quan trọng góp phần cải thiện giống nòi, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị thể hiện rõ trong chương trình những tỷ lệ định lượng liên quan đến phụ nữ để đảm bảo họ được chăm sóc sức khỏe tốt, có cơ hội được học tập và có tiếng nói trong đời sống xã hội.
Nhắc đến trường hợp sinh viên người dân tộc Mông Giàng A Tủa giành được học bổng Fulbright, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho biết rất tâm đắc với quan điểm của sinh viên này là cần đặc biệt chú trọng đến người dạy và cách dạy phù hợp cho con em đồng bào dân tộc. 
Cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Ngọc Phương về chính sách y tế, giáo dục cho đồng bào, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị thiết kế những chính sách bảo hiểm xã hội với tỷ lệ hỗ trợ cao hơn mức 30% hiện nay, tạo điều kiện cho nhiều đồng bào tham gia bảo hiểm tự nguyện hơn. Đồng thời, phân cấp cho địa phương quyết định cách thức thực hiện các dự án phù hợp nhất mà không áp dụng đồng loạt những “mô hình mẫu”. 
Thẳng thắn cho rằng Ban soạn thảo chương trình chưa chọn trúng khâu đột phá phát triển cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nhận xét, địa bàn này nhìn chung không có thế mạnh phát triển nông, công nghiệp, nhưng lại rất có tiềm năng phát triển du lịch. “Du lịch mới chính là chiếc cần câu phù hợp nhất cho đồng bào”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng khẳng định và đề nghị bổ sung vào chương trình một dự án thành phần về phát triển du lịch.

Các tin khác