Đột phá hạ tầng giao thông: cú hích cho TPHCM

(ĐTTCO) - Những năm gần đây việc “đột phá” trở thành mệnh lệnh, khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại trong các bài phát biểu của lãnh đạo các cấp, cũng như tần số xuất hiện dày đặc  trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, việc đột phá ở khâu hạ tầng giao thông vẫn chưa được suôn sẻ.
Khai thông hạ tầng giao thông, kết nối với các tỉnh thành xung quang để kích thích nền kinh tế chuyển động nhanh
Khai thông hạ tầng giao thông, kết nối với các tỉnh thành xung quang để kích thích nền kinh tế chuyển động nhanh
Đột phá vào đâu?
Đột phá được hiểu để phá vỡ cái gì rất cứng rắn như tảng đá, con đê, hay tuyến phòng thủ, người ta phải tìm ra điểm xung yếu nhất, dồn sức mạnh để tác động vào đó, từ đó làm cho cả hệ thống bị tan vỡ hay thay đổi căn bản về chất.
Nếu không tìm ra điểm quan trọng bậc nhất đó (trong số nhiều điểm cũng được coi là quan trọng), nếu không tập trung đủ lực (vật chất, nhân lực, kỹ thuật), nếu chọn sai thời điểm… đột phá không thành công, dẫn đến hệ quả tốn tiền, tiêu hao nhân lực, mất niềm tin thậm chí hoàn toàn thất bại.
Chúng ta vừa thoát ra khỏi 2 năm dịch Covid với hậu quả rất nặng nề, so với nhiều nước nền kinh tế có khởi sắc, nhưng vẫn nằm trong ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. TPHCM như người vừa ốm dậy, mọi thứ còn rất ngổn ngang, nền kinh tế bị giảm tốc, lần đầu tiên bị tăng trưởng âm, và quan trọng nhất không tìm ra động lực cho phát triển.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần có những cú đột phá mạnh mẽ để kích nền kinh tế chuyển động nhanh, mạnh và hiệu quả hơn. Nhưng đột phá ở lĩnh vực nào, điểm chọn cho đột phá ở đâu, mức độ ưu tiên theo thứ tự cho các cú đột phá như thế nào… cần được xác định đúng.
Bởi lẽ, chúng ta thiếu vốn, kỹ thuật và nhân lực trình độ cao, nếu đầu tư dàn trải, chỗ nào cũng “đột”, chẳng những không “phá” được mà có thể dẫn đến trì trệ hơn. 
Đột phá vào giao thông
Có ý kiến cho rằng cần đột phá vào thể chế, ý kiến khác chỉ ra là nguồn nhân lực, ý kiến khác nữa là chuyển đổi số, hoặc du lịch. Tất cả đều đúng. Nhưng lưu ý đây là chiến lược lâu dài, mà đột phá cần tập trung hầu như toàn bộ lực vào vài điểm trong thời gian ngắn để tạo ra cú hích mang tính cách mạng.
Do vậy lúc này đột phá vào giao thông là đúng và cần kíp nhất. Bởi giao thông được coi là huyết mạch của cơ thể, bất cứ chỗ nào giao thông bị tắc sẽ dẫn đến một phần cơ thể bị tê liệt, thậm chí bị hoại tử. 
Trước tết hàng ngàn xe tải, xe container bị ách tắc nhiều giờ trên Xa lộ Hà Nội kéo dài nhiều cây số. Sau Tết người dân miền Tây trở lại TPHCM bị nghẽn ở cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận và các cửa ngõ ra vào TP ở tất cả các hướng. Hình ảnh đó cứ diễn ra nhiều năm nay, cho thấy bức tranh giao thông ở Nam bộ nói chung, Đông Nam bộ và nhất là TPHCM có vấn đề nghiêm trọng.
Có lẽ nhận ra điều này, chuyến xuất hành đầu năm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dành cho các công trình giao thông trọng điểm. Năm 2022, TPHCM và các tỉnh Nam bộ muốn tăng trưởng dương, kỳ vọng 6%, bắt buộc phải tập trung đột phá vào cơ sở hạ tầng giao thông. 
Cụ thể, TPHCM cần nhanh chóng khép kín đường Vành Đai 2, con đường này dài 64km, nhưng còn 2 đoạn chưa thực hiện dài 14km (Gò Dưa đến cầu Phú Hữu 8,5km và từ cao tốc Trung Lương nối vào Quốc lộ 1A 5,3km).
Đường Vành Đai 2 hoàn thành sẽ đưa đến sự thay đổi rất lớn cho toàn bộ bức tranh giao thông của TPHCM. Khi đó các luồng di chuyển của xe cơ giới, xe máy sẽ diễn ra một cách trật tự, thông thoáng hơn, đặc biệt xe tải, xe container, xe siêu trường siêu trọng không phải đi qua nội thành để xuống miền Tây, hay đi lên phía Tây Bắc, Đông Bắc, hiện tượng “nêm cối” ở các trục đường xuyên tâm và cửa ngõ TP về cơ bản được giải quyết.
Vận tải hành khách, hàng hóa với khối lượng lớn, tốc độ cao, an toàn chắc chắn sẽ giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh và hiệu quả cao.     
Khép kín các vành đai
Năm 2022, TPHCM và các tỉnh Nam bộ muốn tăng trưởng dương, kỳ vọng 6%, bắt buộc phải tập trung đột phá vào cơ sở hạ tầng giao thông.
Bước đột phá tiếp theo là khép kín đường Vành Đai 3 dài 92km, đi qua  4 địa phương TPHCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đường này hiện còn 63km chưa khởi công.
Nếu đường Vành Đai 3 hoàn tất, về cơ bản giao thông liên vùng của TPHCM với các tỉnh lân cận được giải quyết, toàn bộ các đường cao tốc như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Bàu Bàng được liên thông với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông đa cấp, liên hoàn, đồng nghĩa với tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ để miền Đông Nam bộ tăng tốc.  
Cùng với đó, tiến hành xây dựng 3 cây cầu Cát Lái, Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Trong số này cầu Cát Lái được coi là quan trọng nhất, vì nối TPHCM với Đồng Nai, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng.
Việc xây cầu Cát Lái được kỳ vọng bởi người dân, công nhân các khu công nghiệp không chỉ thoát cảnh "qua sông lụy phà", còn giúp kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực, đặc biệt sự bùng nổ của Nhơn Trạch, giải quyết bài toán khát đất của cả TPHCM lẫn Đồng Nai. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng phát triển dây chuyền của 3 tỉnh thành là TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuối cùng là dồn sức để tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động. Tuyến metro này từ lúc khởi công đến nay đã mất 16 năm mà vẫn chưa nói chắc ngày vận hành thử.
Tuyến số 1 không kỳ vọng làm thay đổi được bức tranh giao thông công cộng, nhưng ít ra nó sẽ tạo ra sự hứng khởi để người dân đồng thuận cho tuyến số 2 và các tuyến khác sau này. Rõ ràng, TPHCM cần có sự đột phá để thoát khỏi sự trì trệ, nhưng đó phải là những cú đột phá thông minh, quyết đoán có giá trị mang tầm chiến lược.  

Các tin khác