Dow Jones gần như đi ngang; Dầu nối dài đà giảm giá

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones gần như đi ngang vào thứ Ba (09/04), khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ. Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm phiên thứ 2 liên tiếp, khi đà leo dốc gần đây tạm dừng, trong khi các nhà đầu tư theo dõi xem cuộc xung đột ở Trung Đông đang hướng đến đâu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Dow Jones gần như đi ngang; Dầu nối dài đà giảm giá

Phố Wall chờ báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ

Kết phiên, chỉ số Dow Jones mất 9.13 điểm, tương đương 0.02%, xuống 38,883.67 điểm. Tại mức thấp nhất trong phiên, Dow Jones lao dốc tới 320.71 điểm, tương đương 0.82%. Chỉ số S&P 500 nhích 0.14% lên 5,209.91 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.32% lên 16,306.64 điểm.

Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 2%. Một vài cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn cũng hoạt động tiêu cực trong phiên, với cổ phiếu Meta và Netflix lần lượt giảm 0.5% và 1.6%.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 dự kiến công bố vào sáng ngày 10/04. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo lạm phát tăng 0.3% trong tháng 3 so với tháng trước.

Nhà đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ dữ liệu khi họ tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất. Hiện tại, theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo xác suất 42% lãi suất sẽ được giữ ổn định trong tháng 6.

Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research, cho hay: “Thị trường đã chao đảo trong tuần qua, lo lắng về Fed và cam kết hạ lãi suất của họ. Chỉ số CPI mạnh hơn dự báo, cả mức danh nghĩa và cốt lõi, cuối cùng có thể tạo ra yếu tố tác động cho sự điều chỉnh.”

Jamie Cox, Đối tác quản lý tại Harris Financial Group, cũng lưu ý rằng đợt bán tháo vào ngày thứ Ba cũng có thể là một phản ứng theo mùa trước ngày đến hạn khai thuế (Tax Day) một tuần.

“Có rất nhiều người bán tài sản để nộp thuế. Điều này xảy ra hàng năm. Vì vậy, có sự kết hợp của nhiều yếu tố đó,” ông Cox chia sẻ.

Dầu giảm 2 phiên liền

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI mất 1.20 USD, tương đương 1.39%, còn 85.23 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent sụt 96 xu, tương đương 1.06%, xuống 89.42 USD/thùng.

Manish Raj, Giám đốc điều hành tại Velandera Energy Partners, cho biết: “Đây là ngày chốt lời đối với nhà đầu tư đã đạt được mức lợi nhuận tốt từ đầu năm đến nay, và muốn chốt lợi nhuận và đứng ngoài cuộc.”

Dầu WTI đã leo dốc 19% trong năm nay, còn dầu Brent nhảy vọt 16% khi căng thẳng địa chính trị leo thang trong bối cảnh nhu cầu gia tăng và OPEC+ cắt giảm sản lượng được dự báo sẽ đẩy thị trường vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm nay. Barclays dự báo thâm hụt 400,000 thùng/ngày trong năm 2024.

Giá dầu thô cũng giảm trong ngày 08/04, sau khi Israel giảm sự hiện diện của quân đội ở Gaza vào cuối tuần qua, cho thấy chiến dịch quân sự của nước này có thể chuyển sang giai đoạn hạn chế hơn.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng tăng đối với giá dầu, đặc biệt từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, bất chấp đà leo dốc gần đây đang tạm dừng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ công bố vào ngày 10/04 để xem giá dầu đã tác động đến lạm phát danh nghĩa như thế nào.

Giá dầu đã tăng hơn 4% trong tuần trước khi Israel và Iran đứng trước bờ vực đối đầu trực tiếp sau khi lãnh sự quán của Tehran ở Damascus, Syria, bị phá huỷ trong một cuộc tấn công.

Amarpreet Singh, Chuyên gia phân tích năng lượng tại Barclays, cho rằng: “Xung đột ở Trung Đông làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột khu vực, điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Iran cho đến nay đã kiềm chế không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột và năng lực dự phòng của OPEC hiện đang tăng.”

Các cuộc đàm phán ngừng bắn có vẻ đang bế tắc ở Cairo, trong đó Hamas cho rằng đề xuất của Israel không đáp ứng được yêu cầu của người Palestine.

Các tin khác