Dự án buýt đường sông: Bế tắc vì thiếu cơ chế

Trong khi các tuyến đường bộ hầu như phải hoạt động quá công suất, giao thông đường sông có tiềm năng phát triển vẫn chưa được đầu tư và khai thác đúng mức. 2 tuyến buýt đường sông được TP giao cho một đơn vị nghiên cứu, khảo sát để thí điểm đã “mắc cạn”.

Trong khi các tuyến đường bộ hầu như phải hoạt động quá công suất, giao thông đường sông có tiềm năng phát triển vẫn chưa được đầu tư và khai thác đúng mức. 2 tuyến buýt đường sông được TP giao cho một đơn vị nghiên cứu, khảo sát để thí điểm đã “mắc cạn”.

Thiếu đủ thứ

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 112 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km trong đó tuyến đường thủy nội địa có chiều dài 574km. Với đặc thù kiến tạo tự nhiên, mạng lưới đường thủy TP được phân bố đan xen dày đặc kết nối nhiều khu vực dân cư nội và ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới sông ngòi, kênh rạch đang bị thu hẹp do cạn dần nước và bị ô nhiễm nặng.

Trong năm 2012 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy. Trong đó, tập trung các dự án khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai qua Rạch Chiếc; dự án khai thông tuyến đường thủy nối ngã 3 Đèn Đỏ - Nhà máy xi măng Hà Tiên qua ngã 3 Giồng Ông Tố; hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới cano buýt, tàu buýt trên kênh Tàu Hũ, sông Sài Gòn; tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án phát triển vận tải hành khách công cộng đường sông…

Nguồn: Sở GT-VT TPHCM

Quá trình đô thị hóa cùng với tình trạng lấn chiếm cất nhà, quán xá bám theo sông ngòi, kênh rạch càng làm cho vai trò giao thông của đường thủy giảm đi đáng kể.

Có ý kiến cho rằng, nếu TP quy hoạch sông ngòi bài bản, tổ chức quản lý khai thác tốt sẽ phát huy được thế mạnh của vận tải đường thủy, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ. Hơn thế, kênh rạch còn có chức năng giải quyết tiêu thoát nước, cải thiện môi trường, tạo cảnh quan cho TPHCM.

Rõ ràng tiềm năng phát triển vận tải công cộng đường sông của TPHCM rất lớn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho đường thủy chỉ chiếm 1,5% so với lĩnh vực giao thông đường bộ.

Về mặt quản lý đường thủy, Sở GTVT TPHCM có 3 đơn vị thực hiện chức năng quản lý về mặt kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động cảng bến, quản lý hành chính phương tiện thủy. So với lĩnh vực đường bộ, ngành đường thủy vẫn còn thiếu một bộ phận chuyên môn để quản lý về vận tải hành khách công cộng.

Chẳng hạn, trong khi giao thông đường bộ có Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng, Phòng Quản lý vận tải và công nghiệp, ngành đường thủy chưa có các bộ phận chuyên trách này. Đây chính là lý do đến nay TPHCM vẫn chưa hình thành được dịch vụ vận tải buýt trên sông.

Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa cho biết, để phát triển giao thông vận tải đường thủy TPHCM cần đẩy mạnh thực hiện các dự án nạo vét vừa thông luồng giao thông, vừa giải quyết tiêu thoát nước và cải thiện môi trường. Từ đó giao thông đường thủy mới vượt qua được cái vòng luẩn quẩn: Không có ghe tàu lưu thông nên không nạo vét, không đầu tư nạo vét nên không có tàu lưu thông.

“Tắc” dự án buýt đường sông

Thực tế với số lượng hơn 1.600 xe buýt đang khai thác ở TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 5-7% nhu cầu đi lại của người dân. Sau 10 năm đi vào hoạt động, xe buýt chưa thể đóng vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải công cộng. Xe máy và ô tô cá nhân vẫn là phương tiện đi lại chính nhưng về lâu dài sẽ gây nhiều áp lực lên hạ tầng giao thông vốn dĩ đang quá tải, khó cải thiện trong tương lai gần.

Từ thực tế trên, nhiều năm qua TP đã có chủ trương khảo sát, nghiên cứu luồng tuyến trên sông có khả năng thu hút hành khách để thí điểm mô hình vận tải buýt đường sông. Mô hình buýt đường sông nhanh chóng được sự ủng hộ của dư luận bởi sẽ góp phần làm đa dạng sự lựa chọn phương tiện đi lại người dân trong bối cảnh bức tranh giao thông TPHCM còn xám xịt.

Tiềm năng phát triển vận tải công cộng đường thủy của TPHCM lớn nhưng cần cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để phát triển. Ảnh: LÃ ANH

Tiềm năng phát triển vận tải công cộng đường thủy của TPHCM lớn
nhưng cần cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để phát triển. Ảnh: LÃ ANH

Cách đây khoảng 2 năm, Công ty TNHH Thường Nhật đã tiên phong đề xuất UBND TPHCM cho nghiên cứu, thí điểm xây dựng 2 tuyến buýt đường sông với tổng chiều dài khoảng 22km, thời gian vận chuyển khoảng 30 phút/chuyến.

Theo đó, tuyến số 1 có lộ trình 11km đi từ Bến Bạch Đằng (quận 1) - kênh Thanh Đa - phường Linh Đông (Thủ Đức). Suốt hành trình dự kiến bố trí 8 bến lên xuống và 2 bến đầu, cuối. Tuyến buýt đường sông số 1 dự kiến đi vào hoạt động khi cầu Kinh Thanh Đa được nâng cấp hoàn thành vào năm 2013.

Tuyến số 2 cũng có lộ trình 11km, xuất phát từ bến Bạch Đằng qua sông Sài Gòn -  kênh Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực phường 7, quận 8 gần cầu Lò Gốm trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Dự kiến bố trí 5 bến lên xuống dọc tuyến dừng đón khách và 2 bến đầu, cuối.

Tuyến này dự kiến sẽ đi vào hoạt động khi dự án nạo vét và cải tạo kênh Tàu Hủ được hoàn thiện. Theo ông Trần Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, tổng mức đầu tư 2 tuyến buýt đường sông gồm xây dựng bến bãi và mua sắm phương tiện khoảng 100 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động có khả năng vận chuyển trên 5.000 khách/ngày, giá vé khoảng 10.000-15.000 đồng/lượt. Buýt đường sông là dự án được Sở GTVT kỳ vọng đem lại nhiều tiện ích đi lại cho người dân TP.

Tuy nhiên, sau thời gian xúc tiến các hoạt động nghiên cứu tính khả thi, đến nay dựa án này đã “mắc cạn” với nhiều vướng mắc, trong đó nguyên nhân chính vẫn là chuyện thu hồi đất để phục vụ dự án.

Theo ông Toản, vận tải buýt đường sông là mô hình mới đang thực hiện thí điểm, vì vậy phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng kết nối giữa đường bộ và đường sông, hệ thống trạm dừng bến bãi. Qua khảo sát, công ty không tìm được vị trí lập bến ở 2 bên bờ sông, bờ kênh để đón, trả khách.

Hơn nữa, UBND quận 1 chỉ cho phép sử dụng cầu bến hiện hữu, không cho xây thêm cầu bến mới nên không thể xây dựng bến buýt sông trung tâm tại đây. Vì thế công ty đã có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị tạm dừng dự án.

Từ những năm 90, Sở GTVT đã từng đề xuất lập các tuyến buýt đường sông nhưng không thể thực hiện do quy hoạch bố cục không gian chưa phù hợp phát triển buýt đường sông.

Thất bại của dự án buýt đường sông của Công ty Thường Nhật một lần nữa cho thấy chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng đường sông TPHCM đến năm 2015 hay 2020 sẽ khó thực thi nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt vấn đề quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông công cộng đường thủy.

Các tin khác