Dự án công chê hàng Việt

Hiện nay, tình trạng chủ đầu tư các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có tâm lý chuộng hàng ngoại, chê hàng nội đã làm ảnh hưởng nặng đến những DN đang nỗ lực cải thiện sản xuất, lắp ráp trong nước.

Hiện nay, tình trạng chủ đầu tư các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có tâm lý chuộng hàng ngoại, chê hàng nội đã làm ảnh hưởng nặng đến những DN đang nỗ lực cải thiện sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc CTCP Sáng Ban Mai (Sbmpower, tỉnh Bình Dương), mặc dù chủ trương đẩy mạnh dùng hàng Việt đã được cụ thể hóa trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP - Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thấu về lựa chọn nhà thầu, chỉ thị và tổ chức tuyên truyền rộng rãi qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng thực tế DN vẫn bị phân biệt đối xử trong các cuộc đấu thầu.

Sau hơn 10 năm đầu tư hoàn thành dây chuyền công nghệ, nhà máy lắp ráp máy phát điện công nghiệp của công ty hiện nay đã nâng tỷ lệ nội địa hóa đạt 20-40%, giá rẻ hơn 20-30% so với hàng nhập khẩu cùng chất lượng. Những chiếc máy phát điện do Sáng Ban Mai sản xuất, lắp ráp đã được thị trường chấp nhận và xuất khẩu sang các thị trường Campuchia, Lào, Myanmar…

Tuy nhiên, ông Trọng cho biết các sản phẩm của Sáng Ban Mai rất khó chen chân tham gia đấu thầu các công trình lớn dùng ngân sách nhà nước. Dẫn chứng về nghịch lý nói trên, ông Trọng lấy ra một xấp hồ sơ thầu công ty đã từng tham gia và thất bại.

Thí dụ, cách đây 3 năm, gói thầu xây dựng đường dây trung thế ở Đồng Nai quy định máy phải được nhập khẩu và chỉ định xuất xứ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... Với quy định này, công ty ông rớt thầu vì lý do dự thầu máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Tương tự, khi đem sản phẩm của mình dự thầu ở các gói thầu tại Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai… công ty ông liên tục bị đánh bại do hồ sơ thầu yêu cầu hàng nhập khẩu phải nguyên chiếc. Cho rằng bị phân biệt đối xử, ông Trọng đã tập hợp thông tin về các cuộc đấu thầu trên gửi cho Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) để tìm giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm trong đấu thầu.

Qua nhiều lần thất bại, ông Trọng nhận ra rằng, chủ đầu tư các gói thầu sử dụng ngân sách hầu như không cập nhật được sự tiến bộ và chất lượng hàng hóa trong nước, nên khi lập hồ sơ thầu, họ thường chọn giải pháp hàng ngoại. Việc chọn hàng ngoại một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân không am hiểu pháp luật, chủ trương ưu tiên, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt. Một lý do “tế nhị” nữa ít ai nhắc đến là liên quan đến giá hoa hồng. Hàng nội bị kiểm soát chặt chẽ về giá cả, trong khi hàng ngoại có thể kê giá lên cao và phí hoa hồng có thể “đậm” hơn.

Ông Trọng khẳng định, máy phát điện do Sáng Ban Mai sản xuất có chất lượng tương đương với hàng nhập vì thiết bị và công nghệ lõi là như nhau, song giá lại rẻ hơn 25%. Nếu các gói thầu ưu tiên dùng hàng trong nước, số tiền tiết kiệm cho ngân sách là không nhỏ.

Chẳng hạn, cách đây không lâu, Sáng Ban Mai đã thắng thầu tại một dự án của Bình Dương, máy 2.500KVA do công ty lắp ráp với giá khoảng 7,1 tỷ đồng đã thắng thầu, trong khi giá máy ngoại nhập do DN các nước khác tham gia đấu thầu cho dự án này ở mức 9-10 tỷ đồng. Một gói thầu khác tại Sở Y tế tỉnh Long An, công ty đang đưa ra giá chỉ 20 tỷ đồng, trong khi nếu chọn máy phát điện nhập khẩu có giá lên đến 30 tỷ đồng.

Máy phát điện lắp ráp tại Công ty Sáng Ban Mai có tỷ lệ nội địa hóa đến 40%. Ảnh: MINH TUẤN

Máy phát điện lắp ráp tại Công ty Sáng Ban Mai có tỷ lệ nội địa hóa đến 40%.
Ảnh: MINH TUẤN

Theo tìm hiểu, số DN Việt Nam sản xuất được loại máy công suất lớn từ 1.000KVA rất ít. Vì vậy, loại máy công suất 1.500KVA, 2.500KVA do Sáng Ban Mai sản xuất, lắp ráp lại càng hiếm. Hiện Sáng Ban Mai là DN duy nhất của Việt Nam có khả năng sản xuất máy phát điện công suất 2.500KVA (công suất lớn nhất thế giới). Mỗi năm, Sáng Ban Mai cung cấp ra thị trường khoảng 300 máy phát điện công suất lớn. Năm 2013, công ty đạt doanh thu 800 tỷ đồng, với mức tăng trưởng khoảng 30%.

“Chưa thành công nhiều trong việc tham gia các gói thầu sử dụng ngân sách. Chính vì vậy, trong lúc chờ cơ quan chức năng chấn chỉnh lại hoạt động đấu thầu, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng tư nhân và các dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Thế mạnh của chúng tôi là sản phẩm có chất lượng tương đồng hàng nhập, giá luôn rẻ hơn 20-30% nhờ công ty đã nội địa hóa được 40%.

 Chúng tôi còn áp dụng chính sách bảo hành bán 1 máy, để 1 máy dự phòng ở trang trại để có thể thay thế khi gặp trục trặc. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh cung cấp máy phát điện cho khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, bởi khách hàng nước ngoài rất dễ chấp nhận nếu hàng của mình tốt, chất lượng và giá cả cạnh tranh” - ông Trọng chia sẻ.

Các tin khác