Dự án đường sắt đã có, nhưng vốn ở đâu?

(ĐTTCO) - Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có 9 tuyến đường sắt mới được triển khai.
 Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và 3 dự án đường sắt mới phía Nam được kỳ vọng là bước đột phá về hạ tầng giao thông khu vực này. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho các dự án vẫn đang rất nan giải.
Các địa phương mong sớm triển khai
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011-2020, kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt chưa được đầu tư phát triển đúng với vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Kết quả, thị phần vận tải đường sắt bị giảm sút theo từng năm, nhiều năm liền chưa có tuyến đường sắt mới nào được hình thành.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội 13 của Đảng, đã xác định phải quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL… 
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, trong các dự án đường sắt mới, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án được ưu tiên số 1.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư dự án vào tháng 9. Sau khi Bộ Chính trị cho phép đưa vào chương trình làm việc, Chính phủ sẽ xin chủ trương về dự án này. Nếu thuận lợi, dự án sẽ được báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiếp theo, Bộ GTVT sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng (GPMB), đến năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu 2 đoạn Hà Nội-Vinh, TPHCM-Nha Trang, phấn đấu đưa vào khai thác sau năm 2033.
Dự án đường sắt đã có, nhưng vốn ở đâu? ảnh 1 Đường sắt Việt Nam cho đến nay đã rất lạc hậu, thiếu an toàn.  
Với 2 dự án đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu và Thủ Thiêm-Long Thành, Bộ GTVT đang thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư 2 tuyến đường sắt này. Theo đó, tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu có mức đầu tư 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP; tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành, có tổng mức đầu tư 40.566 tỷ đồng, cũng theo phương thức PPP.
Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án này, dự kiến có kết quả trong quý III.
Với tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đơn vị tư vấn đặt mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi để Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua, sau đó trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2024. Các địa phương hy vọng đến năm 2025, 2026 dự án có thể được thi công. 

Khó thu xếp vốn
Theo Bộ GTVT, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho ngành đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu cho việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có 46.346 tỷ đồng; cho dự án đường sắt tốc độ cao 112.325 tỷ đồng; còn lại hơn 80.000 tỷ đồng xây dựng mới đường sắt thường.
Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ GTVT xác định bên cạnh nguồn vốn ngân sách, phải huy động các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Song theo các chuyên gia kinh tế, việc tìm kiếm nhà đầu tư trong lĩnh vực đường sắt rất khó, do đặc thù đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, tích hợp nhiều chuyên ngành kỹ thuật, yêu cầu cao về quản lý, điều hành... Đó chính là lý do Bộ GTVT phải cân nhắc phân bổ nguồn lực nhà nước cho các dự án theo thứ tự ưu tiên. 
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, trước mắt nguồn lực nhà nước sẽ phải tập trung cho dự án  đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Cụ thể, 2 đoạn tuyến  Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM sẽ được ưu tiên đầu tư. Hiện tư vấn đã đưa ra 2 phương án, gồm (1) sử dụng 100% vốn nhà nước, trong giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung công tác GPMB và khởi động dự án; (2) sử dụng 80- 90% vốn ngân sách, còn lại huy động theo phương thức PPP từ mặt ray trở lên, gồm toa tàu, phương tiện, thiết bị điều khiển.
Nói về lý do 2 đoạn tuyến đường sắt này được ưu tiên, ông Lê Đỗ Mười cho biết dự án đã được nghiên cứu rất kỹ trong hơn 10 năm. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy các đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TPHCM có nhu cầu vận tải cao nhất.
Do nguồn vốn đã tập trung cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các đường sắt còn lại trước mắt sẽ chưa được bố trí nguồn vốn từ ngân sách. Bộ GTVT cho biết trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp hiện nay, nếu các địa phương chủ động và tìm được nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ xem xét chấp nhận. Bộ có thể đứng ra làm chủ đầu tư hoặc ủy quyền cho địa phương.
Bộ GTVT cũng đánh giá trong các dự án này, tuyến đường sắt nhẹ Long Thành -Thủ Thiêm có tính khả thi hơn, do có tiềm năng hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội. Nếu TPHCM, tỉnh Đồng Nai bỏ tiền GPMB và có cơ chế tốt cho nhà đầu tư khai thác quỹ đất, phát triển các ga dọc tuyến, khả năng thành công cao. 
Với tuyến đường sắt TPHCM -Cần Thơ, ông Lê Đỗ Mười cho biết đây là dự án rất quan trọng, giúp ĐBSCL khởi sắc, thu hút các nhà đầu tư, hỗ trợ cho đường bộ và các phương thức vận tải khác, giảm giá thành vận tải.
Tuy nhiên, do tổng vốn đầu tư quá lớn, dự kiến gần 170.000 tỷ đồng, nguồn vốn cho dự án đang rất nan giải. Hiện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đang làm báo cáo khả thi dự án, dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn thành, sau đó sẽ mời gọi các nhà đầu tư.
Các địa phương chủ động và kêu gọi được vốn lúc nào, dự án sẽ triển khai ngay lúc đó. Trong trường hợp phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước, dự án sẽ phải chờ Trung ương thu xếp để phân bổ. 
Ông Lê Đỗ Mười cũng cho biết, trong khi chờ dự án đường sắt TPHCM-Cần Thơ triển khai, hàng loạt dự án giao thông đường bộ, đường thủy khu vực phía Nam đang được đầu tư. Đặc biệt khi tuyến đường đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến đường N2, Cảng Trần Đề… hoàn thành, năng lực vận tải khu vực ĐBSCL sẽ được cải thiện đáng kể. 
 Dự kiến Bộ GTVT sẽ trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư các dự án đường sắt vào tháng 9. Tổng vốn dự kiến 240.000 tỷ đồng. Nhưng việc tìm kiếm nhà đầu tư trong lĩnh vực đường sắt rất khó, do đặc thù đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, tích hợp nhiều chuyên ngành kỹ thuật, yêu cầu cao về quản lý, điều hành...

Các tin khác