Khu depot tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đức Thanh |
Về đích
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan đã không giấu được niềm vui sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra Nhà nước thông báo kết quả họp biểu quyết của các thành viên Hội đồng vào chiều ngày 29/10.
Theo đó, 9/9 thành viên Hội đồng đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Kết quả này được Hội đồng căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về công tác nghiệm thu công trình xây dựng; công tác kiểm tra kết quả nghiệm thu; căn cứ báo cáo của chủ đầu tư dự án, các chủ thể tham gia công trình; báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án; kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư; đánh giá của tổ chuyên gia cũng như kết quả kiểm tra hiện trường.
“Việc Hội đồng Kiểm tra Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới của Dự án là chuyển giao, đưa vào khai thác. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội để triển khai các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng, đưa Dự án vào khai thác, vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói.
Mặc dù Bộ GTVT - đơn vị chủ quản dự án và UBND TP. Hà Nội chưa chốt ngày bàn giao công trình, nhưng chắc chắn, việc đưa vào khai thác sẽ diễn ra trước tháng 12/2021.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, đơn vị đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hanoi Metro cũng đã báo cáo UBND TP. Hà Nội về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành của Dự án.
Cần phải nói thêm, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác xây dựng từ cuối năm 2020. Tư vấn giám sát đã thực hiện giám sát công tác vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020 và đánh giá đạt yêu cầu. Đến quý II/2021, chủ đầu tư đã hoàn thành nghiệm thu 11/11 công trình thành phần; công tác phòng cháy chữa cháy.
Để vận hành, Dự án cần 681 nhân lực phục vụ, trong đó nhân lực cần đào tạo là 651 người.
“Đến nay, công tác đào tạo đã được Tổng thầu thực hiện và cấp chứng chỉ đầy đủ cho các nhân sự được đào tạo theo đúng kế hoạch được phê duyệt”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.
Bộn bề công việc phía trước
Dù đã qua cửa ải pháp lý quan trọng cuối cùng, nhưng để đưa Dự án vào khai thác thương mại cuối quý IV/2021, chủ dự án và bên tiếp nhận vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tại phiên họp hôm 29/10, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phục vụ vận hành trước khi bàn giao, đưa vào khai thác Dự án; rà soát công tác chuẩn bị nhân lực, các điều kiện đảm bảo vận hành thực tế và các phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác.
“Cần lưu ý các phát hiện liên quan đến vận hành đã được Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống khuyến cáo; cần thống nhất và phê duyệt quy trình vận hành phù hợp với giai đoạn đầu khai thác và thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan, đảm bảo đưa công trình vào khai thác an toàn, đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Được biết, trong quá trình đánh giá, Liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (Tư vấn ACT) của Pháp đã đánh giá 263 nội dung chuyên ngành công trình; đánh giá 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị; đánh giá sự thuần thục của nhân sự trong xử lý 10/63 tình huống khẩn cấp. Từ kết quả đánh giá, tại Báo cáo số 13, Tư vấn ACT đưa ra 16 vấn đề phát hiện cần khắc phục. Đối với mỗi phát hiện, Tư vấn ACT đều đưa ra các khuyến cáo về phương án khắc phục để đơn vị quản lý thực hiện dự án lựa chọn.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, các phát hiện của Tư vấn ACT là hết sức hữu ích cho quá trình vận hành, khai thác Dự án. Đơn vị quản lý thực hiện Dự án đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu, đưa ra các giải pháp, yêu cầu đối với Tổng thầu EPC, đơn vị vận hành khai thác Dự án và các cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo của Tư vấn ACT.
Ngoài việc đẩy nhanh công tác bàn giao, rà soát lại toàn bộ hệ thống, chủ đầu tư và Tổng thầu cũng sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức để vệ sinh môi trường và giải tỏa mặt bằng bị chiếm dụng nhằm phục vụ công tác bàn giao.
“Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các quận tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn nơi Dự án đi qua không để rác thải, tập kết rác thải tại vị trí lối lên xuống các nhà ga trên toàn tuyến để tạo cảnh quan sạch, đẹp, văn minh khi đưa công trình vào khai thác”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) kiến nghị.