LTS: Trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và các ngành. Chính phủ đã có Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Bộ Tài chính đề xuất gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 29.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, để các chính sách này đạt hiệu quả thiết thực là điều không đơn giản. Từ số báo này, ĐTTC mở chuyên mục: "TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾN THỰC TIỄN", đăng tải những chia sẻ, kiến nghị của các doanh nghiệp.
Thông tin ngân hàng hạ lãi suất, nới rộng đối tượng cho vay trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt là những chủ đầu tư không có nợ xấu, khả năng đầu ra tốt… ngân hàng sẵn sàng bơm vốn. Nhưng thực tế những thông tin ấy chỉ “trên giấy”, cụ thể là đối với trường hợp Công ty TNHH TM-XD Lê Thành (gọi tắt là Công ty Lê Thành).
![]() |
Dự án của Công ty Lê Thành được đánh giá tốt nhưng công ty |
Công ty Lê Thành là doanh nghiệp chuyên đầu tư xây dựng căn hộ giá trung bình ở một số quận vùng ven phía Nam TPHCM. Những năm thị trường BĐS “nóng như chảo lửa”, hàng loạt doanh nghiệp lao vào khai thác phân khúc căn hộ cao cấp, thì Lê Thành tập trung xây dựng căn hộ giá trung bình và đã thành công tại các dự án ban đầu.
Đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn trung thành với dòng sản phẩm này. Hiện nay công ty đang triển khai 2 dự án, gồm chung cư Lê Thành Twin Towers (đường Mã Lò, Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), dự án này có quy mô 352 căn hộ và khu trung tâm thương mại khoảng 7.000m2, hiện đang thi công, giá bán khởi điểm 11,9 triệu đồng/m2 (chưa VAT), giá mỗi căn hộ từ 850 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hiện tại mới chỉ bán được 7%.
Dự án thứ hai là chung cư Lê Thành Tân Tạo (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) với 1.232 căn hộ diện tích trung bình 65m2, đang thi công hạ tầng, dự kiến tháng 12 bán ra thị trường với giá khởi điểm 10 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Chung cư Lê Thành Tân Tạo hướng đến khách hàng trung bình thấp, nằm trong cụm chung cư Tân Tạo.
Tiềm năng của 2 dự án trên rất lớn và giá bán cũng rất cạnh tranh so với các dự án lân cận. Thực tế những dự án Lê Thành đã triển khai những năm trước đều bán rất nhanh do phù hợp với khả năng tài chính phần lớn người mua nhà.
Tổng mức đầu tư của 2 dự án khoảng 1.000 tỷ, trong đó vốn tự có của công ty 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tại thời điểm hiện nay công ty chỉ vay 24 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) với lãi suất 20%/năm.
Dư nợ chỉ là 24 tỷ, công ty không có nợ xấu, dự án vẫn trong giai đoạn triển khai, nhưng hiện nay doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay mới và lãi suất cũ vẫn không giảm.
Công ty liên hệ MHB, Agribank, Techcombank, VietinBank… đều nhận được trả lời: “Thực hiện theo chỉ đạo của ngân hàng cấp trên về việc hạn chế cho vay BĐS vì nợ xấu nhiều, không thu được nên không cho vay nữa”.
Điều ai cũng biết là hiện nay các doanh nghiệp BĐS đang tắc đầu ra, hàng tồn kho lớn. Tiền trả lãi và chi phí cho công trình không đủ lấy đâu để trả nợ gốc.
Trong khi ngân hàng buộc trả nợ gốc xong mới vay mới càng đẩy các doanh nghiệp vào thế khó. Và thực tế lãi suất huy động đã giảm nhiều, nhưng lãi suất cho vay gần như không đổi và doanh nghiệp muốn tiếp cận cũng không được.
Nghị quyết 13 của Chính phủ có hỗ trợ doanh nghiệp BĐS giãn VAT. Nhưng không bán được hàng, hỗ trợ này cũng trở thành vô nghĩa. Còn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) các đơn vị kinh doanh BĐS không được hưởng.
Với khoản tiền sử dụng đất nghe nói được giãn 1 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy triển khai. Rõ ràng những chính sách hỗ trợ ngành BĐS vẫn chưa có biến chuyển. Vấn đề chính hiện nay là đầu ra sản phẩm, do tâm lý chờ đợi nên khách hàng có nhu cầu thật cũng chưa mua vì chờ giá giảm nữa. Và như vậy sản phẩm của công ty tiếp tục “đắp chiếu”.