Dự án Vành đai 3 tạo không gian phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(ĐTTCO) - Sau 12 năm quy hoạch, dự án Vành đai 3 TPHCM chính thức khởi công với niềm hân hoan không chỉ riêng người dân có dự án đi qua, còn là sự kỳ vọng mở ra không gian phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phối cảnh Dự án Vành đai 3 đoạn đi qua TPHCM.
Phối cảnh Dự án Vành đai 3 đoạn đi qua TPHCM.

Liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội

Theo Sở TN-MT, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM có tổng diện tích bồi thường 410ha với 1.689 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay 4 địa phương đã bàn giao mặt bằng hơn 344ha, đạt 84% (Chính phủ yêu cầu tới 15-6 bàn giao tối thiểu 70%).

Để đạt được kết quả này trước ngày khởi công, công tác đền bù giải tỏa được các địa phương triển khai quyết liệt, với những chính sách, đơn giá có lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Vào những ngày cao điểm chi tiền cho người dân bị thu hồi đất, các quận huyện làm việc cả ngày thứ 7 và chủ nhật.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT đi đến từng hộ gia đình có đất bị thu hồi, vận động bà con đồng thuận, chia sẻ với TP để công tác đền bù, giải tỏa đạt kết quả nhanh nhất.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án thành phần ở TP), cho biết dự án Vành đai 3 TPHCM sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành, tạo liên kết cho cả vùng. Công trình sẽ giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.

Tuyến đường khi hoàn thành sẽ mở ra không gian mới, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. "Công trình sẽ tạo động lực mới cho kinh tế, xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người" - ông Phúc nói.

Việc TPHCM được giao làm đầu mối triển khai dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, cũng như vai trò của địa phương khi làm công trình lớn.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, xác định “đây là dự án kiểu mẫu về đền bù, tái định cư”. Ông ví von Vành đai 3 là "con gà cao sản đẻ trứng vàng", sẽ tạo động lực lớn để phát triển kinh tế, xã hội cả vùng, mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Theo ông Mãi, việc khai thác quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương, nhằm tái đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, tạo quỹ đất, thu hút đầu tư, phát triển đô thị… Theo đánh giá của lãnh đạo TP, tiến độ chung của Vành đai 3 hiện cơ bản đáp ứng. 4 tỉnh, thành liên quan đang khẩn trương triển khai các phần việc để kịp khởi công theo kế hoạch đề ra.

Cách làm mới trong đầu tư dự án

Lãnh đạo TPHCM cho biết đây là lần đầu tiên TP được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuẩn bị dự án có tính chất quan trọng quốc gia, quy mô lớn, có tính kết nối vùng.

Với vai trò đầu mối, TPHCM đã chủ trì phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An triển khai thực hiện dự án bài bản, khoa học, chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Sở GTVT lần đầu tiên được TP giao nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Sở đã tham mưu TP triển khai dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.

Trong đó, Sở GTVT đã tham mưu đề xuất những cách làm mới, sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đơn cử như xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp giữa TPHCM và các địa phương; xây dựng và trình UBND TP ban hành kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TP. TP cũng thành lập Ban chỉ đạo TP, Ban chỉ huy các dự án thành phần, Hội đồng cố vấn dự án…

Trong đó, Ban chỉ đạo là cơ quan đầu mối phối hợp với Tổ công tác Chính phủ, cùng với bộ ngành giải quyết các vấn đề chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh. Có thể nói, dự án Vành đai 3 TPHCM được xem là hình mẫu của cơ chế ban chỉ đạo, ban chỉ huy.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, việc TPHCM được giao làm đầu mối triển khai dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, cũng như vai trò của địa phương khi làm công trình lớn. Ngoài ra, dự án cũng được áp dụng một số giải pháp đặc thù, nếu làm tốt có thể tính toán tạo thành cơ chế chung cho các dự án lớn khác.

Từ đó, nên nghiên cứu hình thành cơ chế khai thác quỹ đất gắn với xây dựng hạ tầng, vì nếu khai thác tốt quỹ đất dọc tuyến sẽ tạo nguồn lực khổng lồ để tái đầu tư. Với những triển khai thuận lợi ban đầu và cơ chế được người dân đồng thuận, nhiều người kỳ vọng dự án sẽ thi công đảm bảo tiến độ.

Con đường huyết mạch nối 2 miền Đông - Tây Nam bộ, mạch lưu thông Bắc - Nam và những cơ hội làm tiền đề để TPHCM và Vùng kinh tế phía Nam đóng góp được nhiều hơn cho cả nước, sẽ trở thành hiện thực vào năm 2025.

Dự án dài hơn 90km đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được quy hoạch với vai trò chiến lược hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng, đây là dự án có kinh phí lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam đến thời điểm này. Vành đai 3 TPHCM được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn 1 sẽ làm trước 4 làn, 2 bên xây đường song hành.

Các tin khác