Giá vàng: 4 nhân tố tác động
Một trong những động lực lớn nhất đối với giá vàng năm 2021 là chính sách tiền tệ, bởi tác động chủ yếu của nó đối với USD. Do đại dịch Covid-19, các nước đang in tiền ở mức độ chưa từng thấy và lãi suất được giữ ở mức gần bằng không. Các mức lãi suất thấp này âm theo giá trị thực, cùng với đó lợi suất trái phiếu thấp cũng âm theo giá thực, kéo theo lo ngại về lạm phát/lạm phát đình trệ tăng lên. Áp lực tiền lương do thiếu hụt nhân viên lành nghề và việc nới lỏng định lượng (QE) tiếp tục, có khả năng giữ giá cả tăng cao trong năm 2022 và cao hơn mục tiêu các quốc gia phát triển ở mức quanh 2%.
Như vậy nếu kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ hiện tại và lạm phát tiếp tục tăng, chính sách năm 2022 có thể sẽ trở nên diều hâu. Minh chứng QE bắt đầu giảm dần vào cuối năm 2021 và có thể tiếp tục năm 2022. Lãi suất sẽ bắt đầu tăng, mặc dù đây là một quá trình chậm chạp nhưng giá vàng có thể sẽ giảm vào năm 2022. Trong khi đó, chính sách tiền tệ linh hoạt và lạm phát cao hiện nay có tác động tích cực đối với vàng. Và điều này càng kéo dài càng hỗ trợ nhiều hơn cho giá vàng vào năm 2022.
Động lực thứ hai là đại dịch, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ các nước. Mặc dù các nước Âu, Mỹ đã có chương trình tiêm chủng tương đối thành công, nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể ở các nước kém phát triển. Sự gia tăng của biến thể Delta và gần đây là Omicron đã làm suy yếu hiệu quả của các loại vaccine hiện tại. Đại dịch tiến triển như thế nào trong năm 2022 và liệu có cần thêm bất kỳ hạn chế nào hay không, sẽ có tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và các quyết định chính sách tiền tệ.
Động lực thứ ba là các vấn đề địa chính trị. Chiến tranh thương mại và các lệnh trừng phạt kìm hãm tăng trưởng kinh tế, đồng thời xung đột tiềm ẩn cũng có thể khiến giá vàng tăng nhanh. Mối quan hệ giữa Mỹ với các nước như Trung Quốc và Nga vẫn còn những lời lẽ tiêu cực và gây hấn trong nhiều trường hợp. Các sự kiện ở Trung Đông cũng đang được theo dõi chặt chẽ, chẳng hạn liệu Iran có tấn công các tàu chở dầu, và việc Taliban tiếp quản Afghanistan có làm gia tăng khủng bố trong khu vực…
Động lực cuối cùng là nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương. Nhiều ngân hàng trung ương một lần nữa bắt đầu mua thêm vàng dự trữ để bảo vệ sự giàu có quốc gia của họ. Serbia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và nhiều nước khác đều đã bổ sung vàng vào kho dự trữ của mình, và nếu điều này tiếp tục trong năm tới, nó sẽ giữ cho nhu cầu cao và duy trì mức hỗ trợ cho giá vàng năm 2022.
Vì dựa trên nhiều nhân tố tác động có tính biến thiên cao, các dự đoán giá vàng cho năm 2022 khá đa dạng. Ở mức thấp nhất của thang đo là Ngân hàng ANZ của Australia và New Zealand cùng với Ngân hàng OCBC của Singapore, những người tin rằng sức mạnh của phục hồi kinh tế sẽ khiến vàng giảm xuống 1.500-1.600USD/ounce, khi chính sách tiền tệ siết lại và lãi suất tăng. BMO Capital Markets, UBS Global Wealth Management và Reuters, đều dự đoán giá vàng năm 2022 trung bình trong khoảng 1.700-1.800 USD/ounce, tức tương đương mức hiện nay. Các nhà phân tích khác, chẳng hạn Trading Economics, nhận thấy vàng đạt trung bình 1.963 USD/ounce; trong khi Goldman Sachs tin giá vàng sẽ đạt 2.000 USD/ounce ngay đầu năm 2022.
Giá dầu sẽ hơn 100USD/thùng?
Trong một báo cáo mới từ JP Morgan, các nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ đạt 125 USD/thùng trong năm tới và 150 USD/thùng vào năm 2023, do OPEC ít có khả năng thúc đẩy sản xuất. Nhóm nghiên cứu do Christyan Malek đứng đầu, ước tính công suất dự phòng “thực sự” của OPEC+ vào năm 2022 chỉ khoảng 2 triệu thùng/ngày (43%), thấp hơn ước tính đồng thuận là 4,8 triệu thùng.
Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu có khả năng đạt mức cao. Damien Courvalin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng của ngân hàng, cho biết có "2 con đường" có thể dẫn đến giá dầu trên 100USD/thùng. Đầu tiên là chi phí tăng lên khi các công ty dầu mỏ tăng cường sản xuất. Ông nói: “Có lạm phát ở mọi nơi khác trong nền kinh tế, và cuối cùng là lạm phát trong dịch vụ dầu mỏ”. Khả năng khác là nếu nguồn cung dầu không thể đáp ứng đủ nhu cầu khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch. Thậm chí, Courvalin cho rằng giá dầu 110 USD/thùng là “hoàn toàn có thể hình dung được”.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Forbes thận trọng hơn khi đưa ra các kịch bản khá khác biệt. Theo đó, nếu thế giới có thể tiếp tục giữ tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 ở mức thấp, thì mức giá hiện tại khoảng 80USD/thùng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu phục hồi kinh tế mạnh mẽ đạt được nhờ tăng trưởng ở châu Á, có thể giá dầu sẽ đạt mức giá 100USD/thùng “trong một vài năm”. Ở kịch bản xấu nhất, một biến thể mới của Covid với khả năng lây nhiễm hoặc tử vong cao sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và đẩy giá xuống, nhưng không chạm mức thấp trước đại dịch là dưới 20USD/thùng.
Cho đến nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều đã cập nhật dự báo thị trường dầu của mình đến cuối năm 2022. IEA và EIA cắt giảm ước tính tiêu thụ dầu cho đến tháng 3-2022, trong khi OPEC lại dự báo nhu cầu đầu năm 2022 tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày. OPEC lạc quan hơn vì cho rằng tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu dầu sẽ “nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn, bởi thế giới đã trang bị tốt hơn để đối phó Covid-19 và các thách thức liên quan của nó”. Họ cũng tin rằng “triển vọng kinh tế ổn định ở cả các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi”.