Đủ chiêu móc túi người bệnh

(ĐTTCO) -  Báo SGGP ngày 26-11-2016 đăng bài “Móc túi người bệnh”, phản ánh Phòng khám đa khoa Thăng Long “vẽ bệnh” để thu phí điều trị cao, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người bệnh. Đến nay phòng khám này vẫn hoạt động và tiếp tục dùng chiêu móc túi người bệnh nhưng chưa thấy Sở Y tế TPHCM vào cuộc, khiến thêm hàng trăm người bệnh tiếp tục là nạn nhân của phòng khám này.

(ĐTTCO) -  Báo SGGP ngày 26-11-2016 đăng bài “Móc túi người bệnh”, phản ánh Phòng khám đa khoa Thăng Long “vẽ bệnh” để thu phí điều trị cao, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người bệnh. Đến nay phòng khám này vẫn hoạt động và tiếp tục dùng chiêu móc túi người bệnh nhưng chưa thấy Sở Y tế TPHCM vào cuộc, khiến thêm hàng trăm người bệnh tiếp tục là nạn nhân của phòng khám này.

Vẽ bệnh để moi tiền

Cũng như trường hợp anh B.T.T. ở bài trước, anh T.N.T. (ngụ quận 10) gọi đến Báo SGGP phản ánh anh bị Phòng khám đa khoa Thăng Long (số 575 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10) “vẽ bệnh”, số tiền điều trị đã lên đến hơn 21 triệu đồng. Theo anh T., ngày 12-12, anh thấy vùng kín của mình có biểu hiện khác thường, anh tìm trên mạng thấy quảng cáo rầm rộ về phòng khám này nên tới khám. Ban đầu nhân viên tư vấn báo giá phí khám bệnh là 200.000 đồng, thấy giá phù hợp, anh đồng ý khám. Sau khi xem qua vùng kín của anh T., một bác sĩ người Việt tên Nguyễn Phan Anh bảo anh T. làm xét nghiệm, siêu âm và yêu cầu đóng 1 triệu đồng; sau đó vị này thông báo anh bị “nốt vôi tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt chức năng hồi âm kém đồng đều, tràn dịch mạc tinh hoàn… có nguy cơ sinh khối u và biến chứng ung thư”.

Bác sĩ Anh khuyên anh T. nên điều trị sớm, hứa chỉ trong 4 ngày là khỏi. Quá hoang mang vì nghe nói mình mắc những bệnh đó, anh T. rơi vào trạng thái lo lắng, suy sụp. Ngay lúc đó bác sĩ đưa anh vào phòng tiểu phẫu thì nhân viên bệnh viện yêu cầu anh T. ký vào một biên lai thanh toán với mức phí 6,8 triệu đồng. Sau khi ký xong, anh T. mới được bác sĩ tiếp tục làm tiểu phẫu. Vừa ra khỏi phòng tiểu phẫu, anh được truyền dịch và truyền thuốc với tổng hóa đơn thanh toán  9.178.000 đồng. Vậy là chỉ trong 1 ngày, phí điều trị của anh lên tới 10.178.000 đồng. Anh T. chỉ mang theo 1 triệu đồng nên không đủ đóng viện phí. Phòng khám yêu cầu ghi giấy nợ và giữ lại giấy tờ tùy thân của anh, hẹn hôm sau tái khám.

Lo bệnh nặng, anh T. gắng xoay xở được thêm 1 triệu đồng, ngày 13-12 anh tới phòng khám này tái khám và tiếp tục được làm tiểu phẫu cùng truyền dịch, truyền thuốc tương tự ngày đầu tiên với mức phí 6.178.000 đồng, đóng 1 triệu đồng, ký phiếu nợ 14.356.000 đồng. Ngày 14-12, anh được điều trị thuốc với chi phí 2.378.000 đồng, đóng 1 triệu đồng và ký phiếu nợ 15.734.000 đồng. Ngày 15-12 chi phí điều trị thuốc là 2.378.000 đồng, đóng 1 triệu đồng và anh T. tiếp tục ký phiếu nợ tổng cộng 17.112.000 đồng. Như vậy với 4 ngày điều trị, tổng số tiền anh T. phải trả lên tới 21.112.000 đồng. Phải ký phiếu nợ nhưng anh T. không nhận được bất kỳ hóa đơn nào cho khoản tiền anh đã thanh toán cùng hồ sơ bệnh án.

Thấy phí điều trị quá cao, người thân khuyên anh T. đi bệnh viện khám để có hướng điều trị khác. Tại Bệnh viện Bình Dân, anh T. được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn bộ phận sinh dục dạng nhẹ, không nguy hiểm, cả phí điều trị và tiền thuốc chưa tới 700.000 đồng. Anh T. tâm sự: “Cũng may khi bác sĩ kiểm tra phần tiểu phẫu thì phát hiện Phòng khám đa khoa Thăng Long chỉ làm thủ thuật rạch da để qua mắt bệnh nhân và thu tiền chứ không ảnh hưởng gì nên tôi coi như của đi thay người, mong rằng báo chí phản ánh để cảnh báo cho nhiều người bệnh biết mà tránh”.

Phòng khám có bác sĩ Đài Loan

Trong vai người nhà của anh T., phóng viên Báo SGGP cùng anh T. tới Phòng khám Đa khoa Thăng Long. Chúng tôi quan sát thấy từ nhân viên tới bác sĩ đều không đeo bảng tên nhưng ai cũng đeo khẩu trang (trừ nhân viên tiếp tân). Anh T. cho biết: “Điều trị ở đây tới 4 ngày nhưng tôi chưa hề thấy mặt và biết tên bất cứ bác sĩ, y tá hay hộ lý nào. Tất cả đều đeo khẩu trang, ngay cả khi tư vấn cho bệnh nhân. Ngay từ đầu tôi đã thấy bất thường nhưng tâm lý bị bệnh khiến tôi rối trí, chấp nhận điều trị”.

Bác sĩ người Đài Loan khám bệnh cho anh T.
Bác sĩ người Đài Loan khám bệnh cho anh T.

Lần thứ 5 tái khám, anh T. được chỉ định vào phòng khám ở lầu 2, tại đây có một bác sĩ nam và hai nhân viên nữ. Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân và không hề nói gì, nhưng chẳng hiểu căn cứ vào đâu một cô nhân viên vẫn liên tục ghi bệnh án và bảo anh T. đi làm xét nghiệm, siêu âm. Thấy dấu hiệu bất thường, chúng tôi hỏi bác sĩ về bệnh tình của anh T., nhưng bác sĩ làm việc như một rô-bô, lầm lũi khám bệnh rồi ngồi yên lặng. Nghe cô nhân viên giải thích bác sĩ là người nước ngoài, chúng tôi gặng hỏi bác sĩ người nước nào, cô này ấp úng cho biết người Đài Loan. Chúng tôi nhiều lần hỏi tên bác sĩ và tên hai cô nhân viên, nhưng một trong số hai cô gắt giọng lên bảo bác sĩ tên Úy và yêu cầu chúng tôi ra ngoài đợi chứ nhất định không nói tên mình.

Sau các thủ tục xét nghiệm, siêu âm, anh T. tiếp tục bị phòng khám “vẽ bệnh” và yêu cầu điều trị thêm vài ngày nữa. Chỉ đến khi chúng tôi yêu cầu cung cấp hồ sơ bệnh án, hóa đơn viện phí đã thanh toán mới điều trị tiếp thì cô nhân viên khẳng định khi nào kết thúc điều trị, thanh toán đủ tiền mới trả hồ sơ và hóa đơn. Chúng tôi làm áp lực bằng việc phải có hóa đơn và hồ sơ bệnh án mới vay được tiền để trả nợ viện phí trong những ngày qua và tiếp tục điều trị, lúc này phòng khám mới chìa hóa đơn ra để chúng tôi chụp hình làm bằng chứng đi mượn tiền. Riêng sổ khám bệnh không hề có thông tin bệnh, không có tên bác sĩ điều trị, chỉ có tên bác sĩ siêu âm và đơn thuốc. Kiểm tra trong hóa đơn thì thấy các mục điều trị ghi chung chung là làm tiểu phẫu mà không rõ làm tiểu phẫu gì, không có hóa đơn thể hiện anh T. đã đóng tiền.

Chúng tôi quan sát những bệnh nhân mới vừa được khám đều thấy ai cũng có chung tâm trạng hoang mang, suy sụp, chấp nhận điều trị không cần suy nghĩ. Có một số bệnh nhân không thể đứng vững sau khi nghe bác sĩ phòng khám “vẽ bệnh”. Phòng khám này lợi dụng tâm lý người bệnh lo lắng để “vẽ” và sử dụng chiêu “việc đã rồi” để “hét” giá điều trị nhằm “móc túi” người bệnh. TPHCM hiện có quá nhiều phòng khám hoạt động theo hình thức này khiến người dân bức xúc.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM vừa qua, nhiều cử tri đã chất vấn lãnh đạo Sở Y tế TPHCM về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sở đi kiểm tra thường xuyên chứ không chỉ khi có phản ánh của báo chí mới kiểm tra. Thế nhưng vì sao vẫn tồn tại những phòng khám “vẽ bệnh” để móc túi người bệnh như Phòng khám đa khoa Thăng Long?

Các tin khác