Hành trình của Sóng
Trương Anh Quốc sinh trưởng ở vùng cao gần đèo Le thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam và tốt nghiệp kỹ sư điện Đại học Hàng hải TPHCM, làm việc trong ngành vận tải biển và dầu khí. Anh xuất hiện trên văn đàn hơn 10 trước và nhanh chóng gặt hái thành công.
Đến nay anh đã xuất bản 3 tập truyện ngắn Sóng biển rì rào, Lũ đầu mùa, Hợp đồng chiều thứ bảy cùng 2 tiểu thuyết Biển và Sóng. Trương Anh Quốc cũng được nhận những giải thưởng có giá trị: Giải nhì Văn học tuổi 20 lần 3, Giải nhất Văn học tuổi 20 lần 4 do NXB Trẻ phối hợp Hội Nhà văn TPHCM tổ chức, giải các cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn Giải Phóng, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
Trong số 5 tác phẩm đã xuất bản của Trương Anh Quốc có 3 tập viết thuần về biển, gồm tập truyện ngắn đầu tay Sóng biển rì rào cùng 2 tiểu thuyết Biển và Sóng. Biển cả không chỉ là nơi mưu sinh còn là tình yêu, nguồn cảm hứng lớn lao làm bệ phóng cho chàng kỹ sư trẻ bước vào thế giới văn chương bằng con đường riêng độc đáo.
Như lời tâm sự của anh: “Có lẽ mình may mắn khi chọn viết về biển trong lúc rất ít người viết về đề tài này. Mình viết sẽ dễ dàng hơn khi ngành hàng hải đặc thù với rất nhiều ngôn ngữ chuyên ngành. Ngôn ngữ chuyên ngành tiếng quốc tế có khi không thể tìm từ tiếng Việt sát nghĩa để thay thế. Tiểu thuyết Sóng chỉ gói ghém trong một hành trình trên một con tàu, trong khi mình đã làm việc trên nhiều con tàu đi khắp nơi như thế”.
Hành trình để Trương Anh Quốc viết nên tiểu thuyết du ký Sóng chính là chuyến đi biển xa đầu tiên sau khi anh rời trường đại học. Theo lời anh: “Chuyến tàu biển vòng quanh thế giới đầu tiên trong cuộc đời đi biển của mình đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và thú vị.
Khi đó, mỗi lần đến cảng nào, nước nào, đi bờ ra sao… khi về tàu mình đều ghi lại trong những tập giấy A4. Cũng trong chuyến đó mình mua được chiếc máy tính xách tay nên cặm cụi gõ chữ từ xấp giấy vào máy tính. Mình cũng mua được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số bấy giờ mới ra nên quý lắm, đi bờ chụp hình về tàu lưu hết trong máy tính”.
Khi Trương Anh Quốc cùng con tàu trở về nước, chiếc máy tính bị trộm vào nhà cuỗm mất. Bao nhiêu công sức, chữ nghĩa hình ảnh anh lưu trong máy bay luôn. Anh cất công tìm kiếm mua lại nhưng cái máy vẫn biệt tăm, không thế nào tìm lại được. Thế rồi điều kỳ diệu lại đến với anh khi khởi động viết tiểu thuyết Sóng, đó là bao nhiêu cảm xúc hơn 15 năm trước chợt ùa về với những hình ảnh rõ mồn một.
Trương Anh Quốc cưỡi lạc đà thăm Kim tự tháp Ai Cập.
Tiểu thuyết du ký Sóng giúp người đọc hiểu biết rõ hơn nghề đi biển của các thủy thủ và nhân viên tàu viễn dương, một nghề vốn rất quyến rũ nhưng cũng đầy khó nhọc và còn xa lạ với nhiều người. Đồng thời Sóng mang lại những kiến thức, vẻ đẹp của các vùng biển, vùng đất, con người ở nhiều nơi trên thế giới tác giả đặt chân tới bằng góc nhìn, cảm nhận tinh tế riêng biệt.
Sức hấp dẫn của đại dương
Tiểu thuyết du ký Sóng có sức lôi cuốn sự tò mò của bạn đọc, nhất là giới trẻ thích xê dịch khám phá. Ngoài ra, theo nhà văn Trương Anh Quốc: “Viết Sóng mình chọn lối viết nhẹ nhàng, không tập trung vào xây dựng cốt truyện với tuyến nhân vật xung đột mâu thuẫn rồi đi tìm cách gỡ.
Mình chú trọng đến nét mới lạ văn hóa vùng miền qua của nhân vật du hành bằng đường biển trải qua. Đi bằng đường biển sẽ có sự thú vị riêng, dưới đôi mắt của nhân vật - người đi biển sẽ có cách nhìn khác qua lăng kính khác, nhất định sẽ khác với lăng kính của người du hành bằng đường hàng không hay đường bộ đường sắt. Góc nhìn từ ngoài biển vào bờ, có cả sự mong ngóng, trìu mến và bao dung”.
Dù chuyến đi biển đầu tiên Trương Anh Quốc đặt chân lên hơn 30 quốc gia, hàng chục bến cảng nhưng anh chỉ chọn những bến cảng, vùng đất để lại ấn tượng thật sâu sắc, đưa vào tiểu thuyết du ký Sóng. Anh cho biết: “Mình chọn những điểm nhấn điển hình nói lên được tập tục, văn hóa của vùng ấy nhưng không sa đà vào chi tiết. Nơi đến nhiều khi chỉ là cái cớ để có câu chuyện. Với phương châm ấy, du ký Sóng nhẹ nhàng như cuộc dạo chơi thăm thú các vùng đất mới, mỗi nơi để lại câu chuyện thú vị nho nhỏ”.
Có nhiều câu chuyện độc đáo trong tiểu thuyết du ký Sóng của Trương Anh Quốc, trong đó có những đất nước quen thuộc với người Việt Nam. Chẳng hạn, khi đến Nhật Bản anh phát hiện tính kỷ luật của họ ở khuôn phép cấp dưới rất nể sợ cấp trên. Sự tôn ti trật tự còn thể hiện ở cách vạch màu đỏ xanh trên mũ bảo hiểm trong nhà máy.
Hoặc những người lớn tuổi vẫn chăm chỉ đi làm dù trong tài khoản họ rất nhiều tiền vì ám ảnh cái đói sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hay câu chuyện đối mặt cướp biển ở eo Malacca; sự ngang tàng của một công nhân da màu qua câu nói đầy tự hào “Tao là một người Mỹ”; bất ngờ với các cô gái bốc lửa cùng nụ hôn quyến rũ ở Mexico; sự sợ hãi của các chàng thủy thủ sau một lần “thử của lạ” ở Đức, khi phát hiện mình trở thành diễn viên phim sex bất đắc dĩ…
Theo Sóng, khi tàu lênh đênh đến hòn đảo ngọc Tenerife cách châu Phi chưa đầy 300km và cách Tây Ban Nha vài ngàn cây số nhưng nó lại là khu tự trị thuộc Tây Ban Nha. Thật kỳ lạ. Một di sản từ thời các nhà hàng hải đi thám hiểm hay thời thực dân. Mỗi năm Tenerife đón lượng khách du lịch quốc tế gấp 10 lần số dân trên đảo. Chính quyền ưu tiên phát triển đảo còn hơn đất liền. Biển đảo gắn liền lợi ích kinh tế, du lịch cả vị trí địa lý, vùng trời lòng biển lòng đất. Tại đảo ngọc Tenerife có một quán của người Việt thường bị bọn Tây ăn quịt nhưng chủ quán rất bản lĩnh đối phó, đồng thời luôn dành cho thủy thủ từ quê nhà những tình cảm nồng nhiệt.
“Viết tiểu thuyết Sóng mình xin cám ơn bạn bè đồng nghiệp, những con người mình từng gặp đã làm hình mẫu cho mình khai thác, và cũng có nhiều người mình để “đóng vai ác” xuyên suốt tập sách. Ngoài những chi tiết thật, mình hư cấu thêm thành những câu chuyện tròn trịa có đầu có cuối.
Có những hư cấu làm mình vỗ đùi thích thú khi viết xong chúng: Hình ảnh bác bếp trưởng Cúc (đồng âm với Cook: nấu nướng) do ngủ quên dậy trễ chưa đánh răng súc miệng lật đật chạy xuống bếp nhai tỏi phun vào chảo khử dầu cho kịp; hay anh chàng người nước ngoài xin đểu không được bèn khạc phun nước miếng vào mặt bạn cùng đường, quá khiếp…” - nhà văn Trương Anh Quốc chia sẻ.