(ĐTTCO)-Hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị bàn cách phát triển du lịch biển đảo một cách có hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên vốn có đã được tổ chức, đúc kết… Nhưng đến nay, du lịch biển đảo Việt Nam còn có nhiều “sạn” và quá nhiều điều chưa đạt được trong mắt du khách. Điệp khúc “du lịch biển đảo lắm lợi thế nhưng vẫn ngủ quên trên tiềm năng” vẫn còn đó.
Thả nổi môi trường biển
Nói đến du lịch biển đảo phải nói đến các tỉnh miền Trung. Tuy dải đất miền Trung này lắm thiên tai, nhưng đổi lại thiên nhiên ban tặng cho nơi đây những lợi thế sẵn có để phát triển du lịch biển đảo. Biển miền Trung đẹp, lại có nguồn tài nguyên phong phú như hải sản; nhiều vũng, vịnh, hang động trên đảo, bãi tắm đẹp… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo nơi đây.
Chính vì vậy, chỉ trong hơn một thập niên qua, tốc độ phát triển du lịch nơi đây đạt những con số khá ấn tượng khi lượng khách luôn tăng hàng chục phần trăm. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc hội thảo về du lịch biển đảo đều có chung đánh giá, du lịch biển đảo còn chưa tương xứng với tiềm năng, khai thác du lịch chưa vì cái chung nên thương hiệu du lịch biển đảo không có cơ hội bứt phá mạnh mẽ.
Một vấn đề quan ngại nhất của du lịch biển đảo hiện nay đó là ô nhiễm môi trường biển ngày một tăng. Đi dọc các bãi biển, đảo du lịch hiện nay, hình ảnh ảnh rác thải, nước thải, hay hàng loạt nhà hàng tự do phóng uế trực tiếp xuống các điểm rất công khai. Có những địa danh du lịch nổi tiếng như TP Nha Trang, không chỉ rác mà nơi đây nhiều năm qua có cả hệ thống cống nước thải xả thẳng ra các bãi tắm, khiến dân lẫn người dân đều lắc đầu ngao ngán.
Anh Nguyễn Đỗ Hạnh, một du khách tại TPHCM có lần đến du lịch tại đảo Bình Ba (Khánh Hòa) cho biết: “Bình Ba được dân du lịch biết đến cách đây khoảng 3 năm, tuy nhiên tôi không ngờ đảo ngập tràn rác thải. Rác thải từ trên bờ xuống tận mép nước, nghiêm trọng hơn là những nơi bến cảng - bộ mặt của đảo khi du khách đặt chân lên. Tôi có người bạn làm kinh doanh du lịch, chuyên tổ chức tour tham quan. Trong 3 năm qua bạn tôi làm ăn khá, nhưng cho biết chỉ có khách Việt Nam đến Bình Ba, còn khách nước ngoài rất ít ai đến. Họ đến một lần, thấy biển đầy rác là họ không đến nữa, rồi truyền tai nhau”.
Chạy dọc các bãi biển miền Trung hiện nay, đi đến đâu cũng có những bãi biển đẹp níu lòng du khách. Tuy nhiên, vấn đề bãi biển ô nhiễm đang khiến nhiều khách du lịch quay lưng.
Theo anh Nguyễn Trọng Tính, đại diện một tour chuyên đưa khách Tây Âu đến miền Trung, cho biết: “Khách phương Tây ý thức rất cao về vấn đề môi trường. Có một lần chúng tôi tổ chức cho một đoàn khách Tây tham qua Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa. Khi nhìn thấy các đường dẫn nước thải chạy thẳng xuống biển, cả đoàn khách không ai xuống tắm. Từ đó về sau, chúng tôi không thể tổ chức một tour nào cho khách Tây đến đây và còn mất rất nhiều khách truyền thống, đối tác nước ngoài phàn nàn”.
Phải liên kết chặt chẽ
“Biển đẹp, đảo đẹp là thế mạnh vốn có, nhưng chừng ấy thôi chưa đủ để níu chân du khách. Nếu muốn khách chi tiền mạnh tay, phải có những dịch vụ, tour ngoài du lịch biển đảo kèm theo”. Đó là những nhận xét chung của nhiều chuyên gia du lịch, dù đã được nói nhiều nhưng đến nay chưa ai làm được, cụ thể là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Trong các khiếm khuyết dễ thấy nhất để đón du khách đến với biển đảo hiện nay là dịch vụ đi kèm. Ở các điểm du lịch biển, du khách mỏi mắt tìm được những dịch vụ tầm cỡ như trung tâm mua sắm, ẩm thực xuyên quốc gia; các trung tâm thể thao nước, bến du thuyền…
Anh Nguyễn Khánh Phước, một đầu bếp có tiếng tại Nha Trang cho biết, có nhiều lần khách châu Âu đến nhà hàng và gọi nhiều hải sản đắt tiền, nhưng họ đề nghị nấu theo yêu cầu của họ. Tuy nhiên, các đầu bếp ở đây khó nấu đạt yêu cầu các món Âu nên họ xì xồ chê. “Thực trạng này rất dễ gặp ở nhiều nhà hàng lớn tại Nha Trang hiện nay và đó cũng là lý do mình mất khách truyền thống như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu… cũng như làm hạn chế thương hiệu chung của du lịch biển đảo. Theo tôi, nên có những trung tâm ẩm thực tầm cỡ ở các trung tâm du lịch lớn để gắn với quảng bá thương hiệu”, anh Phước kiến nghị.
Một trong những vấn đề được các chuyên gia nhìn nhận và quan tâm, đó là việc kết hợp du lịch biển đảo gắn với du lịch truyền thống, những dịch vụ tham quan mới như lặn biển, thám hiểm biển và ngắm san hô… để họ không nhàm chán du lịch biển đảo và làm đa dạng các tour tuyến. Trên thực tế, có doanh nghiệp đã lồng ghép các tour tham quan này nhưng chưa hiệu quả.
Cách đây hơn 6 năm, tour tham quan nhà cổ tại TP Nha Trang được nhiều người đánh giá là bước tiên phong, mới lạ và hy vọng sẽ tạo được làn gió mới trong cách tổ chức tour. Thế nhưng, tour này ngày èo uột vì người dân có nhà cổ không mặn mà khi nguồn thu từ các doanh nghiệp lữ hành trả cho họ không đủ để đảm bảo cuộc sống và giữ giữ nhà đẹp mãi.
Tương tự, cách đây 3 năm, nhiều doanh nghiệp ồ ạt đưa khách đến các làng gốm dọc sông Cái Nha Trang tham quan làng nghề. Du khách được đi đường sông, đến làng nghề tự tay làm nghề gốm, xem biểu diễn nghề nên họ tỏ ra rất thích thú. Nhưng được thời gian ngắn, từ chỗ cả làng nghề có hơn 300 hộ làm nghề, biểu diễn kỹ năng làm gốm cho du khách xem thì nay chỉ còn 3 hộ, nguyên nhân cũng chính dân làng gốm không sống được với nghề, khi số tiền thu được từ các tour không đủ mua đất sét!