Dự kiến, tình hình tháng 3 sẽ không khá hơn. Nhiều công ty du lịch đối mặt với nguy cơ đóng cửa, cho nhân viên nghỉ chờ việc nếu dịch còn kéo dài.
Trả mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc
Chiều 9-3, Sở Du lịch TPHCM cho hay, tại thời điểm này, phân khúc khách sạn 1 - 2 sao ở TP gần như không còn khách du lịch theo đoàn, khách du lịch thuần túy; lượng khách thuê chủ yếu theo giờ và khách lẻ. Với các khách sạn phân khúc 3 - 5 sao hiện rất khó khăn, khách vẫn báo hủy phòng.
Giám đốc một khách sạn 5 sao (quận 1, TPHCM) cho biết, công suất phòng tháng 3 chỉ khoảng 30%, tháng 4 và tháng 5 tỷ lệ đặt phòng rất thấp, vì ngay thời điểm này khách nước ngoài đã hủy phòng ồ ạt, do diễn biến dịch bệnh khá phức tạp. Còn giám đốc một công ty lớn chuyên về thị trường khách Nga ở Nha Trang (Khánh Hòa) nói ngắn gọn: “Diễn biến tình hình rất xấu, khách hủy tour ồ ạt”.
Chị Ngọc Thoang, đại diện một doanh nghiệp ở TPHCM chuyên khai thác các tour du lịch miền Tây, chia sẻ, gần một tháng nay, công ty đã cho nhân viên nghỉ việc không lương, trả lại mặt bằng. Một công ty du lịch lớn ở TPHCM đã phải cắt giảm nhân sự, cho nghỉ việc khoảng 400 nhân viên trong tình hình khó khăn hiện tại.
Giám đốc một công ty du lịch cho biết, hiện tại phần lớn các chương trình tour nước ngoài đã đóng hết, chỉ hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 4, tháng 5. Các tour miền Bắc cũng đóng, không dám nhận khách.
Với các tour gần (từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây) hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa cũng phải tạm xếp lại. Công ty đang thực hiện chế độ làm việc báo cáo định kỳ qua mạng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên, cũng như giám sát được hiệu quả công việc.
“Dịch bệnh khiến doanh nghiệp điêu đứng. Hiện mức chi trung bình của công ty gồm tiền mặt bằng, trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm xã hội các loại… trên 1,7 tỷ đồng/tháng. Dịch bệnh diễn ra, công ty vẫn hỗ trợ người lao động bằng cách đảm bảo chi phí bảo hiểm, trả lương cơ bản; cũng có người lao động từ chối nhận lương để chia sẻ phần nào khó khăn với công ty”, vị đại diện doanh nghiệp lữ hành cho biết.
Anh Nguyễn Văn Quy, chủ một khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa), chia sẻ, khách sạn 2 - 3 sao có lượng khách sụt giảm lên tới 80% - 85%. Nhiều người thân, bạn bè của anh Quy đã đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ việc, có hỗ trợ 40% - 50% tháng lương. Vì nếu hoạt động phải trả tiền công nhân viên, cùng hàng loạt chi phí điện, nước, mặt bằng đủ loại trong khi thu không đủ bù chi.
Trông chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ
Ngành du lịch đang rất trông chờ sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ ngay thời điểm này. Vì nếu chính sách đến doanh nghiệp quá chậm trễ, có thể rất nhiều doanh nghiệp đã “ra đi”. Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, hoạt động của ngành du lịch lúc này gần như tê liệt.
“Hiện nay, điều mong chờ nhất của doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… chính là sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Hiện tại, chủ trương hỗ trợ chung đã có nhưng kế hoạch hỗ trợ chi tiết doanh nghiệp chưa được tiếp cận. Song song với chính sách hỗ trợ, ngành du lịch cũng phải nỗ lực, chủ động khi đưa du khách đến các vùng an toàn. An toàn ở đây cần được hiểu địa phương cam kết an toàn, bản thân du khách cũng an toàn, để tránh tình trạng du khách vô tình lây bệnh cho cả địa phương và ngược lại” - bà Nguyễn Thị Khánh kiến nghị.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, thông tin, đơn vị chỉ còn lác đác một số nhóm khách đi tour du lịch đến Phú Quốc (Kiên Giang), các tỉnh miền Tây… Doanh nghiệp này lo lắng, thị trường tiếp tục giảm sâu do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Đây là lúc doanh nghiệp lấy chất bù lượng, chăm sóc tốt khách hàng để giữ chân khách quay lại sau khi dịch bệnh qua đi. Trong thời điểm ngặt nghèo này, các chính sách hỗ trợ trực tiếp gồm giảm thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng… cần triển khai ngay để doanh nghiệp có sức vượt qua tác động dịch Covid-19”, ông Trần Thế Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về giải pháp ứng phó hiện nay, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết: “Thời điểm này có nhiều xáo trộn. Các hoạt động đào tạo đều phải tạm ngưng để hạn chế tập trung đông người. Công ty chấp nhận rủi ro kinh tế nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên, du khách; đồng thời liên tục trao đổi, động viên nhân viên để xốc lại tinh thần, giúp mọi người có thể làm việc hiệu quả ngay khi dịch bệnh kết thúc”. |