Du lịch ĐBSCL đang đứng trên 'đôi chân yếu'

(ĐTTCO) - Một Việt kiều nhiều năm xa quê muốn đi tour xuyên vùng hỏi tôi: “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có gì chơi được?”.
Sản phẩm du lịch ĐBSCL rất đa dạng và đặc thù, nhưng việc khai thác lại trùng lắp giữa các địa phương.
Sản phẩm du lịch ĐBSCL rất đa dạng và đặc thù, nhưng việc khai thác lại trùng lắp giữa các địa phương.

Tôi đáp thuyết phục cũng khá lúng túng: Miền Tây gần như có đủ thứ để chơi, từ du lịch lữ hành đến nghỉ dưỡng, không thiếu những gói sản phẩm từ bình dân đến chất lượng cao của Phú Quốc; có những món ẩm thực đặc sắc và sản phẩm du lịch đặc thù của sông nước, miệt vườn, biển đảo. Thế nhưng, dường như cái thiếu là chưa đủ sức kéo khách quay trở lại vùng này, đó là… mức độ hài lòng của du khách.

Những sản phẩm du lịch đặc thù

ĐBSCL có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo, không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình từ du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, cộng đồng, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, lễ hội - làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa, đến du lịch biển đảo chất lượng cao ở đảo Ngọc Phú Quốc, và các đảo biển Tây phía Nam.

ĐBSCL có lợi thế kết nối tour, tuyến với TPHCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong…

Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng và TPHCM đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành.

Các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TPHCM các chương trình hợp tác du lịch. Sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” và nhiều hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng là nỗ lực đáng ghi nhận.

Nhưng trùng lắp sản phẩm, mang tính mùa vụ

Tuy nhiên, du lịch miền Tây đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tình trạng chung là không gian du lịch vùng đang bị ngắt khúc. Liên kết du lịch chủ yếu thể hiện ở tầm nhìn, còn thiếu nhiều hành động cụ thể. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách.

Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau, khai thác tiềm năng sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.

Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng, các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn tương quan trong vùng và cả nước.

Du lịch ĐBSCL còn nặng tính mùa vụ, nhiều nơi chưa chuyển sang tính chuyên nghiệp để khai thác du lịch toàn thời gian. Mức tăng trưởng về lượng du khách, doanh thu dịch vụ của ngành du lịch chủ yếu dựa vào tính mùa vụ, lễ, tết, kéo theo hàng loạt các hệ lụy tắc nghẽn giao thông, tình trạng "chặt chém" du khách mùa du lịch.

Cú sốc của mùa du lịch dịp lễ, đầu hè năm nay rơi vào thành phố đảo Phú Quốc, khi lượng khách đến giảm sâu hơn cả sau dịch CoVid-19 năm ngoái. Khách hủy tour, đổi tour, hướng dẫn viên "đói tour", thậm chí phải ngồi nhà cả kỳ nghỉ lễ vì không có khách, công suất buồng, phòng khách sạn hoạt động thấp.

Nhìn sang các nước có ngành du lịch phát triển, bên cạnh khai thác tính mùa vụ của du lịch, họ luôn chủ động tạo ra không gian du lịch đặc sắc, sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn và tận dụng thời gian du lịch linh hoạt của du khách bằng nghiệp vụ du lịch chuyên nghiệp.

Nhưng khai thác mùa vụ khác với phụ thuộc vào mùa vụ, không đầu tư đào tạo nhân lực, sáng tạo sản phẩm du lịch mới. Tình trạng phụ thuộc mùa vụ về lâu dài sẽ làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, giảm tỷ lệ trở lại của du khách.

Đã vậy, ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân yếu” là hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch thiếu đầu tư chiều sâu tạo khác biệt, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả. Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng trong thực tế vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL và TPHCM để phát triển du lịch thật sự hiệu quả.

Liên kết không gian, tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù

Chuỗi giá trị du lịch không thể “gói” trong không gian hành chính của một tỉnh, mà phải có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương; tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn thu hút đầu tư...

Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Để tổ chức tốt không gian du lịch vùng ĐBSCL, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, khai thác tốt nhất các tài nguyên du lịch vùng, các địa phương gắn kết với TPHCM và TP Cần Thơ - trung tâm du lịch vùng, kết nối hiệu quả “nút kép du lịch” là rất cần.

Ngành du lịch có thể tận dụng tính hấp dẫn sẵn có của ẩm thực sông nước đồng bằng, biển đảo để phục vụ tốt nhất ham muốn "món ngon vật lạ" của du khách, thứ nhu cầu không phụ thuộc vào mùa vụ. Chăm sóc tốt khâu này bằng cách đầu tư vào các đặc sản địa phương, điểm đến nào cũng có thể hút khách vào dịp cuối tuần, góp phần tăng thời gian du lịch trong năm.

Để tăng mức độ hài lòng và kéo du khách quay trở lại sau mỗi chuyến đi và vui vẻ móc “hầu bao” chi tiêu cho du lịch, ĐBSCL cần tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đầu tư sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, khắc phục điểm yếu của du lịch mùa vụ và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng với TPHCM.

ĐBSCL cần có sự gắn kết chặt chẽ nhau, gắn với liên vùng TPHCM, và tổ chức lại để tạo ra sự khác biệt, tránh các sản phẩm trùng lắp. Đừng để du khách chỉ cần đi một tỉnh nhưng biết nhiều tỉnh như hiện nay.

Các tin khác