Đang chạm đỉnh thì “đứt”
Ba ngày kể từ khi Bộ Y tế ghi nhận bệnh nhân người Đà Nẵng nhiễm vi rút Sars-CoV-2 là bệnh nhân 416 tại Việt Nam, liên hệ với các công ty dịch vụ du lịch để hỏi về tình hình thị trường hiện tại, câu trả lời nhận về là những tiếng thở dài.
Suốt 3 tháng liên tục “tung” nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, dồn sức kích cầu nội địa, ngành du lịch Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định, kỳ vọng vực dậy mạnh mẽ vào 6 tháng cuối năm.
Công ty lữ hành nhộp nhịp nhận booking mới, nhiều khách sạn đã bắt đầu sáng đèn, các khu resort cao cấp kín phòng đến hết tháng 8, các điểm đến bắt đầu đông khách... Thế nhưng chỉ trong 3 ngày, toàn bộ hoạt động du lịch trên cả nước gần như chững lại.
Sau thời gian hết dịch, gần như tất cả DN đều bắt đầu có kế hoạch xây dựng đội nhóm, tổ chức sự kiện, hội thảo, hội nghị để tái khởi động và Đà Nẵng, Phú Quốc là 2 điểm đến được lựa chọn hàng đầu, trong đó Đà Nẵng đứng vị trí đầu tiên.
Do đó, việc dịch bệnh trở lại tại TP biển này kéo theo tổn thất rất lớn. Đại diện một công ty lữ hành uy tín tại TP.HCM cho biết từ ngày 25.7 đến hết tuần tới, DN này đã phải hủy 37 đoàn khách bao gồm cả khách MICE và khách lẻ đi Đà Nẵng.
Các liên tuyến Đà Nẵng như Huế, Hội An chịu hiệu ứng domino ảnh hưởng chung, các tuyến Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn cũng không nằm ngoài vòng tác động.
“Dịch bùng phát trở lại đúng mùa cao điểm, khi mọi thứ đang bắt đầu vào guồng, ở giai đoạn lên đỉnh. Sau thời gian dài đóng băng, toàn ngành du lịch đặt hết hy vọng vào giai đoạn từ cuối tháng 5 - cuối tháng 8 để vớt vát lại tổn thất nhưng vừa kịp ngoi ngóp thì lại bị giáng thêm đòn nữa. Tóm lại, thị trường ngày càng thu hẹp, không còn gì để mà kích cầu, DN du lịch cực kỳ khó khăn”, ông Mẫn thở dài.
Trong quý 1, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến toàn ngành du lịch “tê liệt”. Riêng tại TP.HCM có đến 90% DN du lịch đã phải tạm ngưng hoạt động. Tỷ lệ này trên cả nước cũng ở mức tương đương. Không có khách, không có doanh thu, các DN phải giật gấu vá vai, cố gắng gượng và thiết lập chế độ “gấu ngủ đông”, nhân cơ hội tái cơ cấu thị trường.
Các công ty du lịch khi đó phải đối mặt với thời kỳ đóng băng “kinh khủng” nhất trong lịch sử. Thế nhưng theo các DN, sự trở lại của làn sóng dịch bệnh thứ 2 này còn khủng khiếp hơn đợt 1 và các DN, ngoài việc theo dõi sát sao thị trường để xoay chuyển phù hợp, vẫn chưa thể đưa ra kế sách gì mới.
Ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích: “Không chỉ không có nguồn khách, công ty lữ hành hiện còn khốn khổ vì khách hàng đòi hủy tour những vùng không có công bố liên quan dịch, không rơi vào tình trạng bất khả kháng để được giải quyết với đối tác hàng không, khách sạn.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu tiếp tục phải trải qua đợt “ngủ đông” nữa, chắc chắn sẽ có một số lượng lớn DN vừa và nhỏ không thể tiếp tục trụ đến ngày thị trường phục hồi”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 2 này là "cú đánh bồi", có khả năng sẽ đánh gục một lượng lớn DN. Nhiều nhà hàng, khách sạn chưa kịp mở cửa trở lại sẽ tiếp tục đóng hoặc có thể phải đóng luôn.
Ông Kỳ dự báo đợt bùng phát này sẽ kéo dài không dưới 30 ngày, khiến ngành du lịch lỡ mất giai đoạn “vàng” cao điểm tháng 8, gây tổn thất lớn. Từ nay đến cuối năm cũng không còn nhiều ngày nghỉ nên cơ hội để ngành du lịch phục hồi như kỳ vọng gần như bằng 0. Nếu số lượng ca nhiễm tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay và lây lan sang các tỉnh, thành khác, ngành du lịch có thể sẽ tê liệt.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “Chính phủ cần nhanh chóng kích hoạt các gói hỗ trợ đến tận tay các DN, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các DN. DN “chết” thì hết dịch thị trường cũng không thể phục hồi được”.