Loại hình du lịch MICE (du lịch sự kiện, hội nghị) mang lại giá trị doanh thu cao gấp 6 lần loại hình du lịch thông thường.
![]() |
Tuy nhiên, dù được đánh giá là một phân khúc rất tiềm năng, là một trong những mục tiêu chiến lược của ngành du lịch, song sau gần 10 năm phát triển, du lịch MICE của Việt Nam vẫn chưa vươn được ra khu vực do thiếu sự đầu tư ra tấm, ra món.
Nhu cầu không thiếu
Nhiều công ty du lịch quốc tế đánh giá so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam rất có lợi thế phát triển du lịch MICE với rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản đẹp; con người cởi mở, thân thiện; ẩm thực phong phú.
Bên cạnh đó, với các hoạt động kinh tế hội nhập sôi động, nhu cầu tổ chức hội thảo, khóa đáo tạo, triển lãm, quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam rất lớn và thường xuyên. Đặc biệt tại những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Honda, Toyota, các hãng dược phẩm lớn thường xuyên có nhu cầu tổ chức cho công nhân, nhân viên đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các nhà máy, thị trường khác nhau. Những sự kiện như thế này thường có tới 500-1.000 người tham gia.
Do vậy, nhiều địa phương du lịch phát triển ở Việt Nam luôn nằm trong danh sách của các chương trình du lịch MICE quốc tế như: Phú Quốc, TPHCM, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hà Nội...
Với đặc điểm, các đoàn khách MICE thường rất đông (vài trăm khách) và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường (do Ban tổ chức các hội nghị quốc tế bao giờ cũng đặt phòng cho khách ở khách sạn 4 - 5 sao, dịch vụ cao, tour sau hội nghị phải thiết kế chuyên biệt theo yêu cầu…) nên MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch. Giám đốc Công ty Hoabinhtourist&Convention Nguyễn Khắc Huyền cho biết, trung bình mỗi khách MICE châu Âu tiêu 700-1.000 USD/ngày, khách châu Á trên 400 USD/ngày.
Sự phát triển của du lịch MICE còn là động lực mạnh kéo theo sự phát triển của các ngành cung ứng dịch vụ liên quan như ăn uống, dịch vụ giải trí, mua sắm, nhà hàng khách sạn, hàng không…
Hạ tầng yếu, thiết bị thiếu
Nhưng để thu được những lợi ích từ du lịch MICE đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng. Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng, các DN lữ hành chuyên làm du lịch MICE đang bị “bó chân, bó tay” do hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho loại hình này yếu và thiếu.
Hiện cả nước chỉ có 4 địa phương có điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực và dịch vụ để tổ chức các sự kiện MICE lớn đó là TP HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp (là 1 khu phức hợp gồm hội trường, nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện, tiệc…) phục vụ 1 sự kiện MICE đòi hỏi vốn rất lớn. Vì vậy, hiện nay doanh nghiệp lữ hành làm du lịch về MICE chủ yếu tận dụng những công trình có sẵn nên rất vất vả để kết nối nhiều địa điểm cách xa nhau trong một chuỗi các sự kiện.
Khó khăn thứ hai phải nói đến đó là hạn chế nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu tổ chức hội nghị hội thảo cấp cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch đội ngũ này còn thiếu và yếu. Ông Nguyễn Khắc Huyền cho biết không có nhiều đơn vị có thể tự đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, máy móc trình chiếu tại các sự kiện MICE, thậm chí sẽ thiếu trầm trọng nếu nhiều sự kiện diễn ra cùng thời điểm trên cả nước.
“Có lẽ một phần là do Việt Nam cũng chưa có nhiều hội thảo lớn tầm khu vực và thế giới nên việc đầu tư của các DN trong lĩnh vực này cũng hạn chế và việc đào tạo cũng chưa được chuyên nghiệp. Thêm nữa, do Việt Nam chưa có chiến lược cho việc đầu tư trở thành một điểm hấp dẫn của MICE nên các DN cũng hầu như chưa chủ động, hay mạnh dạn đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ hội nghị hội thảo quy mô quốc tế”, ông Huyền nhận định.
Ngoài ra, ngành du lịch chưa hề có cơ sở đào tạo nhân lực tổ chức MICE, mà mới chỉ có các khoa trong một số trường ĐH đào tạo về đạo diễn, quan hệ công chúng… và các DN đang tự đào tạo lấy nguồn nhân lực làm MICE của chính mình theo kiểu vừa học vừa làm.
“Không có nguồn đào tạo bài bản, vừa học vừa làm là cách chúng tôi chọn để xây dựng đào tạo đội ngũ MICE của mình. Saigontourist cũng tạo điều kiện cho nhân viên đi tham gia các khóa tập huấn ở nước ngoài, những sự kiện MICE lớn ở quốc tế để học tập kinh nghiệm thực tế và cách làm”, ông Vũ chia sẻ.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch MICE, có vẻ những yêu cầu này vượt quá tầm của DN du lịch trong nước. Tuy nhiên, nếu bỏ trống không quan tâm tới lĩnh vực này đồng nghĩa với việc chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường cho các doanh nghiệp làm MICE chuyên nghiệp nước ngoài.
Mong du lịch MICE ra ở riêng
Từ những hạn chế trên có thể thấy để phát triển du lịch MICE, Việt Nam trước hết cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn. Chúng ta cũng phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương, tới DN để thúc đẩy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE phát triển.
Theo ông Nguyễn Khắc Huyền, cần có quyết tâm để đầu tư du lịch MICE trở thành một ngành công nghiệp riêng có tiềm năng thậm chí đem lại nguồn lợi lớn hơn, có khả năng phát triển mạnh hơn so với du lịch truyền thống.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE, ông Vũ Duy Vũ cho rằng cần phải đặt ra một chiến lược cụ thể, từng giai đoạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực MICE, những chương trình hành động cụ thể về trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết đào tạo học viên kỹ thuật... với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược quảng bá du lịch MICE của các nước, từ đó cân nhắc những hạng mục cần chi tiêu, tránh dàn, sai hướng trải để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản Việt Nam được tiếp thị chọn lọc, sâu sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa là cần thiết.
Đồng thời, cần chú ý, trong hoàn cảnh khó khăn, du lịch bão hòa, nhiều DN sẽ đầu tư vào lĩnh vực MICE nhiều tiềm năng hơn. Nhiều DN hoạt động thực sự không có tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm, chính điều đó đã làm cho thị trường MICE trở nên kém chuyên nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của MICE Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Khắc Huyền kiến nghị: “Việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát, quản lý DN cần phải sát sao hơn mới tạo ra một môi trường MICE chuyên nghiệp hơn, hạn chế những tranh nhau kém lành mạnh như bôi nhọ, dìm giá, kém chất lượng.
Theo tôi nghĩ, Hiệp hội du lịch cũng cần tính đến phương án thành lập hiệp hội kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà phát triển cho DN cũng như xúc tiến, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết tốt hơn giữa các DN để có thể kéo được những sư kiện lớn mang về Việt Nam”.
Bởi nếu như ngay trên sân nhà đã không có sự liên kết, hậu thuẫn nhau thì DN Việt Nam khó có cơ hội phát triển lớn mạnh trở thành những tập đoàn lớn có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài trong cùng lĩnh vực cũng như không thể phát triển sánh vai với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển trên thế giới.