Du lịch Việt trước nguy cơ bị Indonesia 'qua mặt'

(ĐTTCO) - Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch, trong đó sự trở lại của nguồn khách Trung Quốc đang được đặt nhiều kỳ vọng. Song không chỉ Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia đều đang chạy đua trong việc hút khách Trung trở lại.

Du khách ngồi thuyền Gondola du ngoạn đảo ngọc Phú Quốc.
Du khách ngồi thuyền Gondola du ngoạn đảo ngọc Phú Quốc.

Đón khách Trung, đừng “ung dung”

Khép lại năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa kế hoạch 8 triệu lượt khách hồi đầu năm. Từ kết quả này toàn ngành đặt mục tiêu năm nay sẽ đón được từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế (tương đương mức trước đại dịch Covid-19).

Nói về khả năng hoàn thành mục tiêu này, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch khách sạn), cho rằng mục tiêu này phù hợp và khả năng hoàn thành cao. Bởi sau một năm tăng trưởng du lịch nội địa, năm nay người Trung Quốc sẽ đi nước ngoài nhiều hơn.

Và đây là dòng khách chính của ngành du lịch Việt Nam trong mấy năm trước dịch, năm 2024 sẽ trở lại và giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, lưu ý các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, đều hướng sự chú ý đến thị trường Trung Quốc nên cạnh tranh giữa các điểm đến là rất lớn. Hiện các nước này đang có những mục tiêu và chiến lược cụ thể đón dòng khách này trở lại.

Chẳng hạn Thái Lan năm nay đặt mục tiêu đón 36-38 triệu lượt khách quốc tế, trong đó riêng khách Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đón từ 10-11 triệu lượt. Tương tự, Malaysia có kế hoạch đón 26 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó riêng khách Trung Quốc là 5-8 triệu lượt.

Đáng chú ý, ngoài mục tiêu rõ ràng, Thái Lan còn tung chính sách miễn visa để thu hút nguồn khách này. Cụ thể, Thái Lan đã miễn visa tạm thời cho khách Trung Quốc trong mùa cao điểm từ cuối tháng 9 -2023 đến hết tháng 2-2024, và tiếp đó là miễn visa vĩnh viễn từ 1-3.

Vậy Việt Nam thì sao? Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 2 tháng đầu năm Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844.000 lượt (chiếm 27,7%), Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 đạt 538.000 lượt, Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 với 198.000 lượt. Trong đó Trung Quốc có sự phục hồi rất ấn tượng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda, Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc vào đầu năm 2024. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỷ lệ khách Trung Quốc quan tâm du lịch đến Việt Nam vào năm 2024 đạt 95% so với 2020.

Những con số đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Nhưng mọi thứ dường như chúng ta vẫn dừng lại ở “hữu xạ tự nhiên hương”. Bởi Việt Nam không có mục tiêu cụ thể sẽ đón bao nhiêu khách thị trường này, và cũng thiếu những chính sách, kế hoạch hành động mạnh mẽ để đón khách trở lại.

Trong một tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Quốc kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel nhận định, chúng ta nói nhiều về visa, nhưng tại các nước chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách.

Còn theo ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế Saigontourist, về visa chúng ta dù đã thông thoáng hơn rất nhiều so với 2 năm trước, nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc, nên chúng ta cũng nên xem xét miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Thay đổi xu hướng du lịch

Những ngày gần đây, câu chuyện xung quanh việc đón khách Hàn Quốc đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Theo thống kê, Hàn Quốc hiện là một trong thị trường có chi tiêu outbound (chi tiêu của khách du lịch ra nước ngoài) nhiều nhất thế giới, và Hàn Quốc đang là thị trường khách lớn nhất tại Việt Nam.

Thế nhưng, thực tế khách Hàn tăng nhưng doanh thu doanh nghiệp lữ hành Việt Nam không tăng, do không thể cung cấp dịch vụ trọn gói mà chủ yếu là dịch vụ nhỏ lẻ. Do đó lợi nhuận chủ yếu theo các đơn vị lữ hành nước ngoài chảy về nước họ, du lịch Việt Nam không được hưởng lợi.

Ông Đặng Mạnh Phước cho biết, đúng là không ít doanh nghiệp lữ hành có doanh thu từ khách Hàn giảm, nhưng thông tin từ các doanh nghiệp lưu trú lại cho thấy 80% lượng khách của họ vẫn đến từ thị trường Hàn Quốc. Điều này phần nào đang minh chứng cho xu hướng chung của khách sau Covid-19 là du lịch cá nhân lên ngôi.

Thực tế ấy đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành cần thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh cũ để khai thác hiệu quả dòng khách này. Tất nhiên với một thị trường chi tiêu cao như khách Hàn Quốc, việc khai thác giá trị gia tăng trên từng đầu khách là hết sức quan trọng và là bài toán chung lớn, nhưng từng doanh nghiệp cũng phải chuyển động.

Câu chuyện làm sao gia tăng giá trị trên từng đầu khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam, vẫn luôn là thách thức của ngành du lịch. Theo Niên giám thống kê về chi tiêu của du khách quốc tế tại Việt Nam trước năm 2020, những thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam lại có chi tiêu bình quân thấp nhất tính trên một lượt khách gồm: Nhật Bản (972,5USD), Malaysia (900,7USD), Trung Quốc (884,3USD), Thái Lan (846,6USD), Hàn Quốc (838,4USD), Campuchia (734,9USD).

Nay trước bối cảnh khách đang thay đổi xu hướng du lịch, du lịch cá nhân lên ngôi, những tính toán của doanh nghiệp và cả ngành du lịch cũng phải chuyển động theo.

Không chỉ khai thác giá trị gia tăng trên từng đầu khách mà làm sao để khách đến rồi quay trở lại cũng minh chứng cho hiệu quả du lịch. Một điều dễ nhận thấy là khách Việt khi du lịch ở Thái Lan hay Singapore có xu hướng quay lại nhiều lần, nhưng khách đến Việt Nam phần đông chỉ đến một lần rồi thôi.

Ngoài chính sách visa thiếu linh hoạt, hoạt động xúc tiến du lịch cũng còn khá mờ nhạt, trong đó Việt Nam vẫn vắng bóng các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Được biết sắp tới Việt Nam sẽ mở văn phòng đầu tiên tại Lào. Nhưng đây lại là thị trường gửi khách ít, nên tính hiệu quả của văn phòng này đã sớm được dự báo.

Có thể thấy bàn câu chuyện hút khách quốc phải đem lên bàn cân với các quốc gia trong khu vực. Nếu tạm bỏ qua một Thái Lan với chính sách visa cực kỳ linh hoạt, hay một Singapore với ngân sách xúc tiến khủng, nếu Việt Nam không thay đổi cách làm có thể bị Indonesia vượt mặt và rớt khỏi top 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Việc miễn visa cho du khách Trung Quốc cần phải tính đến và sớm, bởi về lâu dài bên cạnh nguồn khách phổ thông, chúng ta phải hướng đến nguồn khách Trung Quốc cao cấp vốn chi tiêu rất mạnh tay. Cùng với đó, trong bối cảnh chưa có chính sách visa thì những chiến lược xúc tiến, những mục tiêu cụ thể phải được tính toán càng sớm càng tốt.

Các tin khác