Dù đón được 6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2011, thu nhập du lịch ước đạt 130.000 tỷ đồng, nhưng trong năm 2012 áp lực của khủng hoảng kinh tế vẫn đè nặng lên ngành du lịch nước ta. Theo Tổng cục Du lịch, đây là thời điểm không chỉ phát triển về chiều rộng mà cần phải có chiều sâu.
Khó trăm bề
2012 được xác định sẽ là năm “thăng hoa” của du lịch nội địa với 31 hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội lớn mừng năm Du lịch quốc gia được triển khai khắp cả nước, nhưng ngành du lịch đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề.
Với giá vé máy bay nội địa tăng gần 50%, đặc biệt chặng có nhiều hành khách đi nhất là TPHCM - Hà Nội tăng lên tới 8 triệu đồng, các công ty lữ hành thực sự như “ngồi trên lửa”, bởi giá vé của các tour du lịch trong nước sau khi được điều chỉnh đắt hơn giá một số tour du lịch nước ngoài.
![]() |
Xích lô là phương tiện vận chuyển ưa thích của du khách khi tham quan. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Du lịch đường bộ cũng gặp nhiều hạn chế như mất nhiều thời gian và những vấn đề về an toàn giao thông, sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý du khách.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, năm 2011, nhiều tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng ở Quảng Ninh, Bình Dương đã ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh tốt đẹp của du lịch Việt Nam.
Mặt khác, vẫn tồn tại những hiện tượng chèo kéo, chụp giật, ép khách ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch như TPHCM, Nha Trang, Hà Nội. Vấn đề môi trường du lịch, kể cả tự nhiên và xã hội, cũng ảnh hưởng lớn đến du lịch.
Một thực trạng nữa, dù 2012 được xác định là năm Du lịch di sản, việc tăng giá của các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, điểm tham quan vẫn đang là mối lo thường trực đối với các công ty du lịch.
Điều này càng trở nên bức xúc sau vụ Ban Quản lý vịnh Hạ Long tăng giá vé tham quan ngay sau thời điểm di sản này vừa lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Chưa hết, các điểm tham quan đắt khách như Sapa, chùa Hương, Văn Miếu Quốc Tử Giám... cũng thông báo sẽ tăng giá vào đầu năm 2012.
Trong khi đó, một khảo sát mới đây của Công ty Visa Việt Nam cho thấy xu thế chung của du khách là tìm đến những nơi có chi phí du lịch thấp, giá khách sạn rẻ. Visa Việt Nam cũng lưu ý du khách tới Việt Nam đã chi một khoản cao hơn mức trung bình của quốc tế, trong đó chủ yếu cho giá khách sạn và phí vé máy bay quốc tế, nội địa.
Điều này thực sự tạo áp lực lớn lên ngành du lịch Việt Nam khi cả khách du lịch nội địa và quốc tế phải cân nhắc khi quyết định mua tour.
Hướng đến chiều sâu
Dù nhiều khó khăn, lượng khách du lịch quốc tế và thu nhập du lịch khả quan trong năm 2011 đã tạo kỳ vọng lớn cho ngành du lịch trong năm 2012. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2012 ngành phấn đấu đạt ít nhất 6,5-6,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ khoảng 32 triệu lượt khách du lịch nội địa; thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150.000 tỷ đồng.
Với năm Du lịch di sản, một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế sẽ được tập trung xây dựng. Trong số này, các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các di sản văn hóa khu vực Trung bộ với các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn, sẽ được ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng còn liên kết đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc có chất lượng cao. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế là tỉnh được quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển năm Du lịch di sản, là trung tâm của ngành du lịch nội địa năm nay.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, năm 2012 ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục tác động mạnh đến du lịch.
Theo đó, khách du lịch nội địa và quốc tế sẽ cân nhắc chi tiêu. Vì thế, trong khi kinh phí quảng bá có hạn, điều cần làm ngay là huy động sự chung tay góp sức của các địa phương, công ty du lịch và tăng cường hợp tác với các tổ chức ngoài ngành.
“Năm 2012, ngành du lịch sẽ đặc biệt quan tâm đến hiệu quả, chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao và phát huy hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ngành du lịch không đặt hy vọng về sự tăng trưởng quá nóng, mức độ tăng trưởng sẽ khiêm tốn khoảng 10%” - ông Phương nhấn mạnh.
Để tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, trong thời gian qua đã hình thành liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, miền Trung có hành trình qua các di sản… Tuy nhiên, các liên kết này còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch và không có người đứng ra cầm chịch để tạo hiệu quả rõ nét.
Điều này đang đặt ra những thách thức cho ngành du lịch khi muốn hướng từ bề rộng vào chiều sâu, tạo những đột phá trong phát triển du lịch Việt Nam.