Du khách hãy cùng trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Yên Lập xanh biếc, mênh mông, rồi băng qua đồi thông, rừng trúc lên vãn cảnh chùa Lôi Âm… để nhận thấy Quảng Ninh đâu chỉ có Vịnh Hạ Long, Yên Tử mà còn nhiều điểm thú vị khác cần khám phá, trải nghiệm.
Dạo mát hồ Yên Lập
Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở TP biển Hạ Long xinh đẹp để lấy sức cho hành trình mới. Sáng hôm sau, cả nhóm dậy sớm bắt đầu di chuyển ra Quốc lộ 18 hướng về phía cung đường Lôi Âm, phường Đại Yên. Con đường bê tông nhỏ uốn lượn dẫn mấy kẻ lữ khách ra một vùng hồ trong xanh, mênh mông. Chị bán quán nước nhanh miệng cho chúng tôi biết phía trước là bến đò chùa Lôi Âm (trước đây dân địa phương vẫn quen gọi bến Cây Sai), nơi du khách bắt thuyền khám phá hồ Yên Lập. Bên mép nước trong xanh, những chiếc thuyền chạy máy có mái che đang sẵn sàng chở mọi người du ngoạn. Sau khi mua vé và được ghép với mấy du khách khác, đoàn thuyền chúng tôi đã đủ quân số. Mọi người được hướng dẫn bước qua cầu gỗ để lên thuyền. Anh lái và phụ tá nhanh nhẹn hướng dẫn khách mặc áo phao, ngồi trên ghế để thuyền bắt đầu chạy.
Tiếng máy nổ phành phạch đưa con thuyền sắt rẽ nước ra vùng lòng hồ. Khi thuyền đi ra khoảng nước mênh mông, không khí trở nên mát rượi, những cơn gió ào ào thổi trên làn nước trong xanh như những chiếc điều hòa khổng lồ làm ai cũng thích thú. Thời tiết quả thực chiều lòng người đi vãn cảnh. Càng ra đến giữa lòng hồ, nước càng trong xanh vời vợi. Những đám mây lững lờ phía trên, còn xung quanh là những mảng xanh mênh mông của núi rừng, khiến khung cảnh hiện ra cảm giác thật thanh bình, lãng mạn.
Vừa ngắm cảnh, tôi tranh thủ nạp nhanh chút thông tin về hồ Yên Lập trên mạng để chuyến đi thêm phần thú vị. Yên Lập là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Quảng Ninh với diện tích lên đến 182,2km2 và trữ lượng khoảng 128 triệu m3 nước. Hồ Yên Lập được xây dựng từ giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, phải đến năm 1982 mới chính thức đưa vào sử dụng. Hồ nằm trên địa bàn TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Hoành Bồ và Thị xã Quảng Yên. Ngoài mục đích chính là công trình thủy lợi cung cấp nước cho ngành nông nghiệp, với phong cảnh non nước hữu tình, vùng lòng hồ đã trở thành nơi đi thuyền ngắm cảnh tuyệt vời.
Chúng tôi được anh lái giới thiệu cho biết về những hòn đảo xanh biếc nổi lên giữa lòng hồ: đảo Bàn Tay, đảo Canh, đảo Cua, đảo Giáp Giới. Xung quanh hồ là đồi thông bạt ngàn, rì rào trong gió thổi, tạo cho cảnh quan thêm phần tươi đẹp.
Leo núi bái Phật
Leo núi bái Phật
Được du thuyền no nê, thỏa thích, đến giữa buổi sáng, chủ thuyền cho hạ neo để chúng tôi lên bờ tản bộ. Dải rừng bao quanh hồ Yên Lập thuộc phường Đại Yên, Hạ Long trùng điệp, hùng vĩ, trong đó ngọn núi Lôi Âm nổi tiếng, nơi có ngôi chùa cùng tên ở trên đỉnh. Sau khi bước chân lên bờ nghỉ ngơi, mọi người bắt đầu leo núi. Đi được một đoạn, cả nhóm dần dần lạc vào cung đường rợp bóng mát. Băng qua những đồi thông thoai thoải, hút tầm mắt chúng tôi phía bên dưới là màu xanh của vùng hồ Yên Lập. Những thảm cỏ êm ái dưới gốc thông hiện ra chào đón mọi người, khiến du khách ví von như một “tiểu Đà Lạt”.
Qua đoạn đồi thông, chúng tôi bắt đầu phải leo những bậc đá có độ dốc lớn hơn. Những bậc đá đen thẫm rêu phong men theo sườn núi, xung quanh rừng cây um tùm. Thỉnh thoảng mọi người lại ồ lên thích thú khi lạc vào rừng trúc xanh biếc, ngỡ như đang lạc vào bối cảnh của phim kiếm hiệp Trung Quốc. Qua mấy khúc cua dốc, cuối cùng chúng tôi đã đến cổng chùa Lôi Âm. Không gian vô cùng thanh tịnh nơi cửa Phật, chẳng còn ồn ã, bon chen. Theo những ghi chép lịch sử còn lại, chùa Lôi Âm được xây dựng từ thời nhà Trần, mang đậm dấu ấn của Thiền phái Trúc Lâm (Thiền phái Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập). Chùa hưng thịnh, bề thế nhất vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-17) trước khi bị tàn phá, hư hỏng bởi chiến tranh và mưa bão.
Ngôi chùa uy nghi du khách được chiêm bái hiện nay mới được xây dựng từ năm 2012. Cảnh quan xung quanh chùa thâm u, tĩnh tại với những hàng cây cổ thụ rủ bóng mát quanh năm. Vãn cảnh vườn chùa, chúng tôi được ngắm những tháp mộ xây bằng đá xanh cùng với thống đá, hương đá chạm khắc hoa văn tinh xảo đã có niên đại hàng trăm năm. Vào những ngày trong trời, đứng trên đỉnh núi Lôi Âm, nơi tương truyền có bàn cờ Tiên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ khu đảo du lịch Tuần Châu và vịnh Hạ Long ngoài biển.
Độc đáo đỉnh “Đá Chồng”
Độc đáo đỉnh “Đá Chồng”
Để khám phá núi Đá Chồng ở huyện Hoành Bồ, du khách có thể bắt thuyền trên hồ Yên Lập thuộc địa phận TP Hạ Long đi đến khu Khe Mừng (xã Bằng Cả). Từ Khe Mừng, du khách dừng thuyền leo lên núi theo biển chỉ dẫn. Đoạn đầu tương đối bằng phẳng, nên mọi người không quá khó khăn. Nhưng càng về sau, cung đường núi càng khó đi. Nhiều khi cơ thể phải luồn lách qua những bụi tre và bụi rậm để tiến lên phía trước, vì thế đã có một số du khách phải bỏ cuộc giữa chừng.
Phải mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới lên tới đoạn gần đỉnh núi. Từ đây du khách được ngắm khung cảnh thoáng đãng xung quanh. Đưa tầm mắt hướng về phía xa xa dưới chân núi là vùng hồ Yên Lập bao la, cảnh sắc như bức tranh sơn thủy hữu tình. Sau khi đi qua vạt rừng thông, dần dần những khối đá lớn nhấp nhô hiện ra trước mắt. Đó chính là đỉnh Đá Chồng - điểm dã ngoại, khám phá độc đáo của giới trẻ và dân leo núi trong thời gian qua.
Nằm ở độ cao khoảng 450m so với mực nước biển, nhìn từ xa đỉnh Đá Chồng có kiểu dáng độc đáo, mà không thể tìm thấy một phiên bản tương tự ở Việt Nam. Hàng trăm phiến đá với kích cỡ lớn và rất lớn tạo thành một bãi đá bên mỏm núi, phía trong là rừng thông. Trong đó có 5 tảng đá cỡ lớn xếp chồng lên nhau và nhô hẳn ra khỏi sườn núi, tạo tư thế cheo leo, kỳ thú. Đặc biệt, điểm tiếp xúc giữa giữa 2 mỏm đá chỉ khoảng 70-80cm2. Giữa điểm tiếp xúc là khe hở và đầu phiến đá nghiêng về phía vực thẳm. Kỳ lạ thay, mấy phiến đá chồng nhìn có vẻ chênh vênh ấy vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt suốt hàng ngàn năm nay. Nó như thách thức mọi bão dông, mưa nắng.