'Đu' thần tượng, bao nhiêu là đủ

(ĐTTCO) - Sự kiện nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn đã tạo nên cơn sốt trong suốt những ngày qua. Chưa bao giờ, câu chuyện về 'đu' thần tượng lại gây ra nhiều bàn tán, tranh cãi trái chiều đến như vậy.
'Đu' thần tượng, bao nhiêu là đủ

Với một nhóm nhạc có sức ảnh hưởng như Blackpink, đặc biệt đây là lần đầu tiên nhóm đến Việt Nam biểu diễn khi đang còn ở trên đỉnh cao sự nghiệp, cơn sốt này hoàn toàn dễ hiểu. Và, để có tấm vé xem thần tượng biểu diễn, cũng như mua các vật dụng đi kèm như áo, lightstick (que phát sáng), một cuộc săn lùng rầm rộ đã diễn ra trên khắp các mạng xã hội.

Đầu tiên phải khẳng định, về bản chất việc “đu” thần tượng không xấu. Không chỉ với các nghệ sĩ Hàn Quốc, các nghệ sĩ Âu - Mỹ… cũng có lượng người hâm mộ đông đảo. Cùng thời điểm hai đêm diễn của Blackpink tại Việt Nam được mở bán vé, một lượng không nhỏ người hâm mộ “công chúa nhạc đồng quê” Taylor Swift cũng quyết liệt săn lùng tấm vé tour diễn The Eras Tour vào đầu tháng 3-2024 tại Singapore. Với nghệ sĩ Việt, không ít người cũng có đội ngũ người hâm mộ ruột đông đảo, sẵn sàng đi theo thần tượng mọi lúc mọi nơi. Cách đây không lâu, công chúng từng có nhiều ý kiến trái chiều về việc một số nghệ sĩ còn nhận được những bó hoa bằng tiền mặt, vật phẩm đắt giá từ người hâm mộ. Đó cũng là một hình thức của việc “đu” thần tượng.

Tuy nhiên, với đêm nhạc Blackpink lại có những câu chuyện khiến không ít người ác cảm. Không ít bạn trẻ dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng nhất quyết đòi bằng được cha mẹ cho tiền để mua vé xem thần tượng. Đáng nói, vé cho buổi biểu diễn này cao nhất lên đến gần 10 triệu đồng, chưa kể nếu không ở Hà Nội thì còn phát sinh chi phí đi lại, ăn ở và mua vật dụng cổ vũ. Lúc này, việc “đu” theo thần tượng đã trở thành hành động mù quáng, mất kiểm soát. Thậm chí, nhiều người không mua được vé mở bán đã chấp nhận mua đi, bán lại trên các trang mạng, nhưng cuối cùng lại ăn quả lừa đau đớn. Tiền đã mất nhưng lại không được xem thần tượng.

Không chỉ người trẻ, nhiều người lớn cũng “đu” theo thần tượng. Nếu bạn đủ khả năng chi trả và sẵn sàng chịu trách nhiệm với hành vi của mình, không ai cấm đoán. Và, việc thần tượng khiến bạn có suy nghĩ và hành động tích cực, không để làm ảnh hưởng đến bản thân và gia đình, điều đó không có gì đáng nói. Bản thân các thần tượng cũng không hề mong muốn những người theo đuổi mình bất chấp tất cả, hành động thiếu văn minh, không biết đâu là đủ và là điểm dừng. “Đu” theo thần tượng vẫn là câu chuyện muôn thuở và những mặt trái của nó vẫn cứ tồn tại.

Các tin khác