Với mục tiêu bình ổn thị trường thép, cân đối cung cầu, kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến DN góp ý dự thảo quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc với các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép.
Việt Nam không thiếu thép và phôi thép
![]() |
Những năm qua thị trường trong nước chưa từng thiếu thép xây dựng. Ảnh: LÃ ANH |
Tuy nhiên, dự thảo này đã nhận được khá nhiều phản ứng từ các DN ngành thép và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Theo dự thảo, DN sản xuất thép phải dự trữ 0,3% lượng phôi thép sản xuất năm trước; DN thương mại phải dự trữ 10% lượng thép xây dựng nhập khẩu và 0,3% lượng phôi thép nhập khẩu. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc phải thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%. Dự thảo cũng quy định Bộ sẽ lựa chọn một số DN thương mại, sản xuất làm đầu mối phân phối thép và phôi thép khi thị trường bất ổn.
![]() ![]() | |
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA |
Thống kê của VSA, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đến 8,9 triệu tấn/năm, trong khi tổng bán hàng thép xây dựng của cả nước năm 2010 mới đạt 6,3 triệu tấn. Số liệu tiêu thụ thép của cả nước 5 năm (từ 2005-2010), cho thấy mức tiêu thụ thép chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty, thị trường trong nước những năm qua chưa bao giờ thiếu thép xây dựng. Sự biến động giá thép trên thị trường không phải do thiếu thép mà chủ yếu do biến động giá nguyên liệu (giá quặng sắt, than, xăng dầu, phôi thép, thép phế…).
Ông Trần Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thép Hòa Phát, cho rằng yêu cầu các DN kinh doanh và sản xuất thép phải dự trữ bắt buộc tối đa là không cần thiết, vì bản thân Nhà nước không yêu cầu thì DN cũng tự bỏ tiền ra dự trữ hàng hóa khoảng 10%. Khi giá thép thế giới lên, giá thép trong nước sẽ lên theo với cường độ chậm hơn. Vì vậy, chỉ khi giá thép trong nước cao hơn giá thế giới mới cần có sự can thiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên tình trạng này khó xảy ra. Năm 2007 giá thép thế giới lên cao đột ngột 1.200USD/tấn, nhưng giá thép trong nước xuất khẩu cao nhất là 800USD/tấn. Đại diện Công ty Thép Việt cho biết hiện dự trữ thép của công ty luôn vượt 10% và phôi dự trữ đủ cho 3 tháng sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân. Vì vậy, tự thân các DN cũng đã dự trữ.
Dễ sinh cơ chế xin - cho
Theo ông Phạm Chí Cường, quy định giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường
![]() ![]() | |
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt |
tại thời điểm bán ra ít nhất 10% chỉ có lợi cho các công ty trung gian, không đến người sử dụng. Chẳng hạn, năm 2009 thực hiện yêu cầu không tăng giá thép, Tổng công ty Thép đã bán thép tại nhà máy thấp hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với thị trường. Tuy nhiên, đón đầu lượng thép bình ổn này là các công ty thương mại, khi ra đến thị trường người tiêu dùng vẫn phải mua với mức giá như tất cả nhãn hiệu thép khác.
Do vậy, quy định giá bán thấp sẽ dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối. Chủ trương chọn một số DN làm đầu mối phân phối sẽ làm nảy sinh cơ chế xin - cho. Lợi nhuận thu về khi được nắm vai trò độc quyền phân phối quá lớn sẽ đẩy các DN vào cuộc chạy đua vận động “âm thầm” với những cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Mọi chi phí đều tính vào giá thành, người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt nhất.
Hiện tại giá bán thép ở các DN thép tùy thuộc vào thương hiệu, công nghệ và đều công khai báo cáo cho VSA hàng tháng. Tính cạnh tranh giữa các công ty sản xuất trong nước rất cao, ngoài ra các công ty còn cạnh tranh với giá thép nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc, nên không có sự độc quyền trong lưu thông và về giá bán thép xây dựng. Ở Việt Nam, số lượng công ty xuất nhập khẩu thép khó có thể thống kê, bởi nhiều công ty kinh doanh các mặt hàng khác nhau. Căn cứ theo nhu cầu thị trường, họ có thể kinh doanh những mặt hàng Nhà nước không cấm nhưng chỉ xuất nhập khẩu theo nhu cầu thị trường và chỉ mua bán khi có lợi nhuận, nên việc quy định dự trữ bắt buộc đối với các công ty này không thể thực hiện.