Dự trữ ngoại hối bằng NDT?

Theo ông Heng Koon Heng, chiến lược gia đầu tư ngoại hối của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse khu vực châu Á-Thái Bình Dương, động thái được nhiều người mong đợi này của MAS cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc như một đối tác thương mại lớn nhất của Singapore cùng với mối liên kết chặt chẽ về tài chính giữa 2 nước với Singapore là trung tâm thanh toán và giao hoán NDT ở hải ngoại. Còn đối với kinh tế gia của ngân hàng Singapore UOB, ông Francis Tan, thì MAS đã gửi một thông điệp tích cực cho khu vực tư nhân và các đối tác từ Trung Quốc. Ông nói: “Nếu là một quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC), bạn sẽ trân trọng việc Singapore công nhận các khoản đầu tư bằng NDT”.

(ĐTTCO) - Đồng NDT của Trung Quốc đã trở thành một trong những loại tiền tệ nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối của Singapore từ tháng 6 vừa qua. Đó là thông báo chính thức của Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) trong bối cảnh NDT ngày càng xuất hiện nhiều hơn, được chấp nhận nhiều hơn trong danh mục đầu tư của nhiều định chế tài chính quốc tế.

Theo ông Heng Koon Heng, chiến lược gia đầu tư ngoại hối của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse khu vực châu Á-Thái Bình Dương, động thái được nhiều người mong đợi này của MAS cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc như một đối tác thương mại lớn nhất của Singapore cùng với mối liên kết chặt chẽ về tài chính giữa 2 nước với Singapore là trung tâm thanh toán và giao hoán NDT ở hải ngoại. Còn đối với kinh tế gia của ngân hàng Singapore UOB, ông Francis Tan, thì MAS đã gửi một thông điệp tích cực cho khu vực tư nhân và các đối tác từ Trung Quốc. Ông nói: “Nếu là một quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC), bạn sẽ trân trọng việc Singapore công nhận các khoản đầu tư bằng NDT”.

Quyết định dùng NDT làm dự trữ ngoại hối của Singapore đã diễn ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 11 năm ngoái rằng NDT đã đạt tiêu chí của một đồng tiền được sử dụng tự do và được đưa vào rổ các loại ngoại tệ để tính giá trị đồng tiền SDR, hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo IMF, kể từ ngày 1-10-2016, tỷ trọng của NDT trong rổ tính toán SDR sẽ là 10,92%, USD (41,73%), EUR (30, 93%), yen Nhật (8,33%) và bảng Anh (8,09%).

Theo nhận định của bà Jacqueline Loh, Phó Giám đốc điều hành MAS, việc tự do hóa tài chính có kiểm soát của Trung Quốc trong năm ngoái đã khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế chấp nhận  NDT. Bà cũng cho biết từ tháng 11 năm ngoái Trung Quốc và Singapore đã bắt đầu cùng thực hiện sáng kiến mở rộng các kênh  chu chuyển vốn bằng NDT với các nước và hỗ trợ việc sử dụng NDT bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, việc đưa NDT vào quỹ dự trữ ngoại hối này của Singapore là kịp thời.

Giới tài chính ngân hàng ở Singapore nhìn chung khá phấn khởi trước động thái nói trên của MAS. Tổng giám đốc ngân hàng HSBC tại Singapore, ông Guy Harvey-Samuel cho rằng điều này thể hiện xu hướng hợp tác thương mại càng mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Singapore. Tính thanh khoản và ổn định của NDT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hoạt động trên đảo sư tử và nâng cao vị trí của Singapore như một trung tâm thanh toán NDT cho khu vực. Một nghiên cứu mới đây của HSBC cho thấy hiện đã có 32 ngân hàng trung ương trên thế giới đầu tư bằng NDT, so với con số 3 vào năm 2012.

Theo dữ liệu gần đây nhất của Swift, tổ chức cung cấp dịch vụ truyền thông ngân hàng trên toàn cầu, Singapore hiện là trung tâm thanh toán NDT đứng thứ ba trên thế giới. Quá trình tự do hóa tài chính có kiểm soát của Trung Quốc cũng chỉ mới bắt đầu và như vậy xu hướng tăng cường sử dụng NDT vẫn sẽ tiếp tục. Theo dự đoán của ông Edward Lee, Giám đốc nghiên cứu khu vực Asean của Ngân hàng Standard Chartered Bank, Trung Quốc sẽ thanh toán trong 50% giao dịch thương mại bằng NDT.

Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Singapore với kim ngạch mua bán giữa 2 nước trong năm 2015 là 123,5 tỷ đô la Singapore. Với việc đưa NDT vào quỹ dự trữ ngoại hối của Singapore, con số này sẽ lớn hơn và tỷ trọng sử dụng NDT trong giao dịch và trao đổi thương mại sẽ cao hơn.   

Các tin khác