Đưa PVTM vào chiến lược kinh doanh

(ĐTTCO) - Trong 3 biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp và tự vệ, DN Việt hiện dùng nhiều nhất là biện pháp tự vệ, mặc dù điều này đang đi ngược xu thế chung của thế giới. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với luật sư NGUYỄN HẢI (ảnh), thành viên Nhóm Chính phủ và thương mại toàn cầu, Công ty Luật Mayer Brown.

(ĐTTCO) - Trong 3 biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp và tự vệ, DN Việt hiện dùng nhiều nhất là biện pháp tự vệ, mặc dù điều này đang đi ngược xu thế chung của thế giới. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với luật sư NGUYỄN HẢI (ảnh), thành viên Nhóm Chính phủ và thương mại toàn cầu, Công ty Luật Mayer Brown.

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, đâu là lý do khiến các DN Việt Nam sử dụng biện pháp tự vệ nhiều hơn CBPG và chống trợ cấp?  

Luật sư NGUYỄN HẢI: - Cần phân biệt điểm khác biệt cơ bản nữa giữa CBPG và tự vệ, đó là kiện CBPG được tiến hành để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh (có sai mới kiện) còn biện pháp tự vệ đơn thuần là ngoại lệ mà WTO cho phép các thành viên áp dụng để cứu nguy cho ngành công nghiệp trong nước trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu (không sai nhưng vẫn kiện).

 Việc các DN chọn biện pháp tự vệ nhiều hơn CBPG hay chống trợ cấp cần phải nhìn từ nhiều khía cạnh. Thứ nhất, phải nhìn nhận 3 biện pháp PVTM giống như 3 liều thuốc cho 3 căn bệnh khác nhau và DN phải “bắt bệnh” trước khi dùng thuốc. Chẳng hạn, nếu thấy hàng hóa nước ngoài bán phá giá thì nghĩ đến CBPG, còn trường hợp không bán phá giá cân nhắc xem thử có thể dùng biện pháp tự vệ không. Chính vì thế, một ngành công nghiệp không thể muốn dùng biện pháp nào là dùng. Riêng với biện pháp tự vệ, có 2 dấu hiệu quan trọng để có thể áp dụng đó là việc gia tăng lượng hàng hóa nhập khẩu và tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp đó trong nước khó khăn  ra sao.

Tuy nhiên, trong thực tế có thể do DN chưa nhận thức đầy đủ sự khác biệt giữa các biện pháp này và xu hướng ưa thích dùng biện pháp tự vệ đôi khi vì thời gian điều tra ngắn hơn (chỉ khoảng 6-8 tháng) và trách nhiệm cung cấp chứng cứ của DN cũng ít hơn. Song điều này đang đi ngược với xu thế chung của thế giới, bởi trong 3 biện pháp này các nước trên thế giới ít áp dụng biện pháp tự vệ nhất. Việc điều tra để áp dụng các biện pháp tự vệ đặt gánh nặng trách nhiệm nhiều hơn cho Chính phủ và cơ quan điều tra, do WTO yêu cầu thành viên khi áp dụng biện pháp tự vệ phải đàm phán với các nước nhập khẩu bị ảnh hưởng về các biện pháp đền bù. Nếu không đàm phán được, các nước bị áp thuế tự vệ được phép sử dụng các biện pháp trả đũa trong trường hợp biện pháp tự vệ được tiếp tục áp dụng sau năm thứ 3.

- Sự tốn kém khi theo đuổi một vụ kiện PVTM khiến nhiều ý kiến cho rằng PVTM là biện pháp của nhà giàu. Ông nghĩ sao về điều này?

- Một vụ kiện PVTM không liên quan đến một hai DN nhỏ lẻ mà cả một ngành công nghiệp. Tôi không thể đồng tình với ý kiến cho rằng những vụ việc này dành cho nhà giàu, vì thử nhìn xem một ngành công nghiệp sản xuất bất cứ mặt hàng gì ở Việt Nam, quy mô không hề nhỏ so với kinh phí bỏ ra theo đuổi một vụ kiện. Số chi phí đó không là gì so với một ngành công nghiệp và là rất nhỏ so với lợi ích có được từ một vụ kiện thành công. Tôi thấy vấn đề mấu chốt ở đây không phải là chi phí, mà DN có tìm được tiếng nói chung, lợi ích chung có được đặt lên trên lợi ích riêng lẻ của mỗi DN hay không. Trong bối cảnh hiện nay, khi hàng rào thuế quan đã, đang và sẽ được hoàn toàn loại bỏ, PVTM là biện pháp khả dĩ cuối cùng DN có thể sử dụng được. Do đó, DN cần xem xét và nghiên cứu các biện pháp này như một phần không tách rời của chiến lược kinh doanh. Các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đã thực hiện việc này từ lâu.

- Hiện một số DN và Hiệp hội Da giày TPHCM muốn sử dụng một trong các biện pháp PVTM đối với giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Theo ông, trong trường hợp này các DN giày dép nên làm như thế nào?

- Tôi nhận thấy khá nhiều DN Việt khi đi kiện thường nói gặp nhiều khó khăn và có trường hợp từ bỏ vì ngại khó, sợ không thắng được. Tuy nhiên, việc theo đuổi một vụ kiện PVTM hay bất cứ vụ kiện tụng nào cũng vậy, khó khăn là điều đương nhiên và khả năng thành công trong các vụ kiện thường là 50/50. Quyết định tiến hành một vụ kiện chúng ta không chắc được mình thắng hay thua, nhưng nếu không hành động, 100% mình đã thua. DN cần phải có niềm tin và quyết tâm. Các ngành hàng khác của Việt Nam từ dầu ăn, bột ngọt đến thép đều đã làm được, không có lý do gì da giày không làm được nếu chúng ta có đủ cơ sở.

Nếu DN cho rằng việc thu thập số liệu khó khăn vì hàng Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn qua đường tiểu ngạch thì điều này thuộc phạm trù gian lận thương mại, DN cần làm việc với cơ quan hải quan và các cơ quan hữu quan khác. Còn ở khía cạnh PVTM hoàn toàn có thể làm được việc thu thập thông tin, các DN có thể tìm đến các luật sư, các bên tư vấn hoặc tham vấn với cơ quan điều tra như Cục Quản lý cạnh tranh và cơ quan hải quan lấy các thông tin. Từ đó, DN sẽ xác định được hiện tượng đang xảy ra là gì, có hiện tượng bán phá giá hay không, có hiện tượng hàng nhập khẩu tăng đột biến hay không để có đối sách phù hợp. Và như trên đã nói, các DN cần phải đồng lòng.

Việc thiếu tiếng nói chung đã từng gây tiếc nuối trong vụ đùi gà Hoa Kỳ nhập khẩu cách đây không lâu. Thời điểm đó DN có sự hỗ trợ nhiệt tình của cơ quan điều tra là Cục Quản lý cạnh tranh. Các luật sư cũng sẵn hàng hỗ trợ với mức giá thấp nhất cho các DN chăn nuôi. Lâu nay DN Việt Nam bị phía Hoa Kỳ kiện CBPG rất nhiều, vì thế nếu có một vụ phía Việt Nam kiện thành công tôi nghĩ sẽ có hiệu ứng đối trọng trong nội bộ các ngành công nghiệp Hoa Kỳ, góp phần tác động hạn chế phần nào việc kiện hàng Việt của phía Hoa Kỳ. Thời điểm trước khi Việt Nam lên tiếng kiện CBPG đùi gà Hoa Kỳ, mặt hàng này đã bị kiện và áp thuế ở một số nước. Điều này càng cho thấy khả năng sản phẩm này bị bán phá giá sang Việt Nam vào thời điểm đó. Nhưng cuối cùng vụ việc cũng không thành vì không có tiếng nói của DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác