Mục tiêu của đạo luật LkSG của Đức nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Ví dụ như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương đủ sống và thời gian làm việc đúng mức.
Đạo luật này cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh.

Theo Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp bởi Luật LkSG, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức. Do đó, các doanh nghiệp phải chú trọng đến những tiêu chuẩn, quy định trong luật này.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Đức bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm hơn.
Ông Guido Hildner, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Đức tại Việt Nam nhận xét: “Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng LkSG cũng tạo ra cho Việt Nam cơ hội về lợi thế địa điểm trên thị trường thế giới. Như thế những đạo luật mạnh mẽ về môi trường và lao động và việc thực thi hiệu quả hơn nữa có thể trở thành một lợi thế địa điểm của Việt Nam, chứ không còn chỉ là chi phí sản xuất thuận lợi nữa. Điều đó cũng cải thiện tình trạng của người lao động và môi trường ở Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng của LkSG mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ đó là thiết lập quản lý rủi ro trong tất cả các quy trình kinh doanh có liên quan và tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình.
Trong đó bao gồm những quy định về bổ nhiệm người chịu trách nhiệm giám sát quản lý rủi ro; thực hiện phân tích rủi ro thường xuyên; thiết lập các biện pháp phòng ngừa; ban hành một tuyên bố chính sách về chiến lược nhân quyền của mình; thực hiện hành động khắc phục hậu quả; thiết lập thủ tục khiếu nại; lập tài liệu và báo cáo về việc tuân thủ trách nhiệm thẩm định.