Hầu hết các hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không tại Đức đã ngừng hoạt động trong ngày 27/3 sau khi cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc bắt đầu lúc nửa đêm.
Hai nghiệp đoàn lớn của Đức gồm Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động cùng Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông (EVG), đại diện cho 230.000 nhân viên, đã kêu gọi cuộc tổng đình công với quy mô lớn nhất trong hơn 30 năm qua nhằm yêu cầu giới chủ tăng lương, trong bối cảnh nền kinh tế lớn châu Âu lao đao do lạm phát tăng chóng mặt trong suốt 1 năm qua.
Phát biểu với truyền hình nhà nước Phoenix, Giám đốc Verdi Frank Werneke thừa nhận rằng cuộc đình công đã gây khó khăn lớn cho hoạt động đi lại của người dân và du khách. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đạt được triển vọng trong thỏa thuận vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Hiệp hội Sân bay ADV ước tính có 380.000 hành khách đi máy bay bị ảnh hưởng. Chỉ riêng ở thành phố Frankfurt, gần 1.200 chuyến bay chở 160.000 hành khách đã bị hủy và những du khách mắc kẹt phải ngủ trên băng ghế. Ở thành phố Cologne, việc thiếu các chuyến tàu đã khiến dịch vụ taxi bị quá tải.
Nhằm ngăn chặn chặn nguy cơ đứt gãy nguồn cung, Bộ trưởng Giao thông vận tải Volker Wissing đã yêu cầu các bang dỡ bỏ các hạn chế đối với việc giao hàng bằng xe tải, đồng thời yêu cầu các nhà điều hành cho phép máy bay hoạt động trở lại vào đêm nay để những hành khách mắc kẹt có thể đến địa điểm cần thiết.
Ông Martin Seiler, phụ trách về nhân sự tại Công ty đường sắt quốc gia (DB), cho rằng cuộc đình công trên toàn quốc là “không cần thiết” và kêu gọi các nghiệp đoàn quay lại bàn đàm phán ngay lập tức.
Phát ngôn viên của DB Achim Strauss, cho rằng hàng triệu hành khách phụ thuộc vào các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu hỏa đang phải gặp khó khăn và bị ảnh hưởng công việc do đình công. Ngoài hoạt động đi lại, hàng nghìn công ty giao nhận hàng hóa bằng đường sắt cũng gặp trở ngại từ hoạt động đình công.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhận định hậu quả từ cuộc đình công đối với nền kinh tế Đức không quá lớn.
Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thương mại Đức Jörg Krämer, cho biết mặc dù cuộc đình công gây bất tiện cho người dân và ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, song tác động của cuộc đình công kéo dài một ngày không quá lớn.
Theo ông Krämer,ngoài các công ty vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp, hầu hết các công ty khác vẫn làm việc bình thường.
Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Berenberg, Holger Schmieding, cho rằng cuộc đình công sẽ gây ra những rắc rối và khó chịu, song tác động đối với nền kinh tế tổng thể cuối cùng chỉ ở mức hạn chế. Ông nhận định tổn thất do đình công thường sẽ được cân bằng lại sau đó và điều này dẫn tới sự phát triển chung của nền kinh tế không thay đổi.
Trong khi đó, ông Klaus Wohlrabe, chuyên gia tại Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, đánh giá với việc nhiều hải cảng bị phong tỏa, các chuyến bay bị hủy và tàu không hành khách trong ngày 27/3 có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 181 triệu euro (195 triệu USD), song mức độ tổn thất này chưa phải quá lớn.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser cho rằng nhiều khả năng sẽ đạt được một giải pháp chung, theo đó các nghiệp đoàn sẽ nhượng bộ hơn trong cuộc đàm phán kéo dài về mức lương của người lao động. Bà kỳ vọng các bên có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này.
Chia sẻ quan điểm chung với Bộ trưởng Faeser, Chủ tịch Ifo Clemens Fuest cũng tin rằng các nghiệp đoàn và giới chủ sẽ sớm đạt được một số thỏa hiệp. Ông Fuest cho rằng giới chủ sẽ nhượng bộ ở một góc độ nào đó, với mức tăng tiền lương thỏa đáng là 7%. Con số này vẫn chưa theo kịp mức lạm phát, nhưng sẽ giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng cho các hộ gia đình và người lao động.
Mặc dù vậy, Chủ tịch EVB Martin Burkert cảnh báo nghiệp đoàn này có thể tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh, nếu các bên không đạt được kết quả nào trên bàn đàm phán.
Các cuộc đình công tại Đức ngày 27/3 chỉ là một phần trong làn sóng đình công đang bùng phát dữ dội ở các quốc gia hàng đầu châu Âu trong những tháng gần đây, trong đó có Pháp và Vương quốc Anh - nơi hàng triệu công nhân vận tải, y tế và giáo dục cũng đang kêu gọi tăng lương cao hơn.
Tại Pháp, trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã châm ngòi cho các vụ bạo lực đường phố tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.