Việc xin cấp giấy đi đường mỗi lần thay đổi là kéo theo những rườm rà về thủ tục, qua nhiều cấp và đặc biệt phải đi lại, tập trung đông người, chờ đợi nộp hồ sơ. Điều nay vô hình trung kéo người dân ra đường. Giấy đi đường ngay từ đầu đã quy định có dấu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu; các cơ quan thực hiện công vụ, phục vụ phòng chống dịch.
Chủ doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy có trách nhiệm khi ký, đóng dấu cấp. Vậy là đủ. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15, 16 quy định rất rõ về đối tượng được ra đường, cơ quan chức năng trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, kiểm soát và có thể xử phạt các đối tượng không thực hiện theo chỉ thị.
Trong thời hạn cần giải quyết công vụ cấp bách, công việc thiết yếu, người dân không thể chờ đợi nhiều giờ, nhiều ngày để có giấy đi đường. Bởi lẽ, như vậy sẽ đánh mất đi tính cấp thiết, tính thiết yếu của việc phải ra đường. Việc cấp lại giấy đi đường hiện nay đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, nhân lực, công sức, tiền bạc của nhà nước lẫn người dân, trong khi chúng ta đang phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch.
Có một thực tế, cơ quan cấp trên có văn bản yêu cầu làm việc (phải ra đường mới thực hiện được) thì cơ quan cấp dưới chưa cấp giấy đi đường, nên dường như lại chồng chéo, mâu thuẫn. Việc này sẽ là một trong những nguyên nhân đình trệ công việc, ảnh hưởng đến sự ổn định phát triển kinh tế và các nguồn lực khác.
Vẫn biết chống dịch như chống giặc, cần kiểm soát chặt chẽ, nhưng chống dịch cũng cần phải huy động toàn dân chấp hành. Vì thế, thông về mặt tư tưởng và nâng cao ý thức của nhân dân mới là vấn đề cốt lõi. Giấy đi đường quy định không đúng cách lại là rào cản, cản trở việc giãn cách trong chống dịch cũng như sự phát triển kinh tế.