Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN năm 2021 cũng vừa được công bố vàongày 1-12 vừa qua, với kết quả Việt Nam duy trì xếp hạng 6/6 trong các nước ASEAN cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam dù có cải thiện trong năm qua nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế so với các quốc gia trong khu vực.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, thường được dân chứng khoán biết đến với cái tên Long Phan nhận định: Năng lực quản trị của doanh nghiệp là một tài sản đặc biệt của doanh nghiệp. Nhìn tổng thể thì doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt sẽ là tài sản cực kỳ có giá trong mắt các NĐT. Tuy nhiên, thống kê cho thấy số doanh nghiệp trong nước có khả năng quản trị được các NĐT nước ngoài đánh giá cao lại chưa nhiều.
Tại Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 5 do Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư đồng tổ chức hôm 9-12 mới đây, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam đã nhận định: Việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt vượt lên trên các quy định pháp lý vẫn là một thách thức với cộng đồng doanh nghiệp niêm yết nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Trong khi doanh nghiệp nhiều nước đã quen với việc áp dụng thông lệ quản trị tốt của G20/OECD thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa sẵn sàng áp dụng các thông lệ này.
Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến về việc sẽ phải có những sự thay đổi từng bước để hướng đến sự thay đổi tổng thể. Chẳng hạn, không nên nhìn nhận thành viên HĐQT của doanh nghiệp chỉ là một “vị trí” hoặc một nhân sự theo kiểu chiếu lệ, đáp ứng quy định hiện hành, mà phải là một thành viên tham gia vào quá trình phát triển của doanh nghiệp thực sự.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy Ban Kinh tế Quốc hội khóa XV, nhấn mạnh: Nâng cao năng lực quản trị hơn nữa là điều không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải làm. Doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt sẽ không chỉ đảm bảo lợi ích cho cổ đông mà còn đem lại nhiều giá trị bền vững cho xã hội.