Đúng hướng bên ngoài, rủi ro bên trong

Trước những giải pháp mạnh tay của NHNN, thời gian gần đây thị trường tiền tệ, ngoại hối cũng như hoạt động của các NHTM được nhận định đã vận hành đúng hướng. Tuy nhiên, thực tế việc “đi đêm” lãi suất vượt trần huy động vẫn diễn ra phổ biến ở các NHTM. Nhiều chuyên gia nhận định tình trạng này kéo dài sẽ tích lũy nguy cơ rủi ro lớn cho hệ thống NHTM.

Trước những giải pháp mạnh tay của NHNN, thời gian gần đây thị trường tiền tệ, ngoại hối cũng như hoạt động của các NHTM được nhận định đã vận hành đúng hướng. Tuy nhiên, thực tế việc “đi đêm” lãi suất vượt trần huy động vẫn diễn ra phổ biến ở các NHTM. Nhiều chuyên gia nhận định tình trạng này kéo dài sẽ tích lũy nguy cơ rủi ro lớn cho hệ thống NHTM.

“Xanh vỏ đỏ lòng”

Nhìn vào bảng niêm yết lãi suất có thể thấy các NHTM đều thực hiện đúng theo quy định trần lãi suất của NHNN. Nhưng trên thực tế, tình trạng thỏa thuận lãi suất vượt trần diễn ra ở cả NH quy mô nhỏ và các NHTM lớn. Lãi suất huy động cao nhất hiện nay trên thị trường đã đạt mức 20%/năm ở một số NH nhỏ áp dụng cho các khách hàng có khoản tiền trên 1 tỷ đồng. Còn mức huy động 16,5-18%/năm được hầu hết các NHTM áp dụng.

Hiện nay một số NH đang hướng đến hoạt động quản trị hiện đại bằng việc tiếp thu và vận dụng các tiêu chuẩn quản trị của các nước trên thế giới như Basel I, Basel II. Nhưng do khả năng quản trị rủi ro của hệ thống vẫn còn yếu nên nhiều NH vẫn chưa thể thực hiện được theo các tiêu chuẩn này. Đây cũng là tác nhân buộc các NHTM lách luật khi NHNN ban hành các chỉ tiêu an toàn vốn ngày càng chặt chẽ theo thông lệ quốc tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa,
Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia

Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã nâng 4 lần các loại lãi suất chủ chốt để kiềm chế lạm phát, như lãi suất tái chiết khấu được nâng lên 13%/năm, lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm - bằng với trần lãi suất huy động vốn từ dân cư. Ngoài ra, NHNN cũng hạn chế cung tiền ra thị trường mở về phạm vi lẫn quy mô giao dịch.

Do vậy, các NH lớn đã đẩy lãi suất cao qua thị trường liên NH lên đến 20-22%/năm, gián tiếp buộc các NHTM cần vốn cho thanh khoản phải huy động bằng mọi giá trên thị trường tiền gửi dân cư qua việc thỏa thuận lãi suất. Hệ quả là nền kinh tế, cụ thể là doanh nghiệp phải gánh một mức lãi suất vay vốn quá cao trong bối cảnh các loại chi phí đầu vào đều tăng. Chất lượng những khoản vay với lãi suất cao theo đó cũng giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các NHTM. Nhiều chuyên gia nhận định, bản chất lãi suất NHTM là “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức chỉ mới bình ổn bên ngoài mà chưa chống được bên trong.

Ngoài việc sẽ rút giấy phép kinh doanh những chi nhánh NHTM huy động vượt trần lãi suất, NHNN cho biết sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất ở các NHTM nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện được vụ việc vi phạm nào. Bởi lẽ các NHTM đã dùng nhiều chiêu lách để hợp thức hóa việc trả thêm lãi suất dưới nhiều hợp đồng thu phí, phí phạt, ủy thác đầu tư…

NHNN biết nhưng chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ để “bắt giò” các NHTM. Trong khi đó, cơ hội kiếm lợi nhuận trên thị trường liên NH vẫn thuộc về các NHTM lớn. Điều này khiến nhiều NHTM nhỏ phải phá rào để tránh thua lỗ hoặc mất thanh khoản, kéo theo NHTM lớn cũng vào cuộc. Vì vậy, nếu căn bệnh này không chữa trị tận gốc, đúng bệnh, nguy cơ rủi ro cho hệ thống NHTM rất lớn.

Cần cơ chế giám sát nào?

Từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM khá chậm. Vậy tại sao các NHTM lại chạy đua huy động vốn? Điều này được lý giải: Phần lớn các NHTM nhỏ quản lý thanh khoản kém nhưng lại đổ vốn lớn vào dư nợ lĩnh vực phi sản xuất, nên khi NHNN yêu cầu kéo giảm tỷ lệ này xuống sẽ gặp khó khăn. Nhiều NHTM nhỏ trước đó đã huy động vốn trên thị trường liên NH, đến hạn phải trả trong khi tín dụng chưa thu hồi kịp. Các NHTM lớn cho biết dù không muốn huy động lãi suất cao nhưng vẫn mong một cơ chế lãi suất được tự do hóa.

Theo đó các NH được phép áp dụng lãi suất huy động tùy theo nhu cầu vốn. Bởi mỗi NH có chiến lược kinh doanh, mục tiêu tăng trưởng, đối tượng khách hàng, quan điểm về rủi ro và lợi nhuận khác nhau, nhưng chung khung trần về lãi suất huy động là chưa hợp lý.

Các NH cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách hàng. Ảnh: LÃ ANH

 Các NH cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách hàng. Ảnh: LÃ ANH

Theo các chuyên gia phân tích, hoạt động chủ yếu của NH là thu từ lãi, trong khi các sản phẩm, dịch vụ truyền thống đang bị cạnh tranh quyết liệt. Kết quả một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thu về lãi/tổng thu nhập (TRAD) có tác động âm đến hiệu quả hoạt động của NH.

Từ đây cho thấy xu hướng cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Điều này đòi hỏi NH cần nỗ lực xây dựng, thu hút khách hàng hợp lý, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ truyền thống, phát triển các dịch vụ mới.

Tuy nhiên, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, thừa nhận trong bối cảnh khó khăn hiện nay, NH thường có nhu cầu quay về những sản phẩm truyền thống như huy động, cho vay, thanh toán, những sản phẩm phức hợp khó thu hút khách hàng sử dụng. Vì vậy, sự cạnh tranh ở lĩnh vực truyền thống sẽ tiếp tục còn nhiều thách thức.

Theo ông Lê Hoàng Việt Lâm, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, trong điều kiện thị trường hiện nay cần mạnh dạn đưa phương pháp phân tích định lượng vào đánh giá, xếp hạng hoạt động kinh doanh của các NHTM, nhằm điều chỉnh chiến lược của từng NH và cả hệ thống cho phù hợp với biến động của thị trường và nền kinh tế. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát của NHNN đối với các hoạt động của NHTM, ngăn ngừa, tiến tới triệt tiêu những hành vi lũng đoạn, tình trạng vi phạm kỷ cương, trật tự tài chính trong lĩnh vực NH.

Các tin khác