Đừng làm nguội lạnh nguồn lực bảo tồn di sản

(ĐTTCO) - Trong những năm qua, hiện tượng vô tình hay cố ý làm tổn hại đến các di sản lịch sử - văn hóa và kiến trúc diễn ra khá nhiều. 
Rất nhiều di tích xuống cấp trầm trọng nhưng không thể bảo tồn vì thủ tục, kinh phí... nhưng nếu người dân tự sửa chữa thì bị vi phạm Luật Di sản.
Rất nhiều di tích xuống cấp trầm trọng nhưng không thể bảo tồn vì thủ tục, kinh phí... nhưng nếu người dân tự sửa chữa thì bị vi phạm Luật Di sản.
Có những di sản bị tổn hại do “ngâm”  quá lâu từ chính dự án bảo tồn thực hiện bằng kinh phí của Nhà nước; có dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở do tư nhân thực hiện đã hủy hoại những di sản nằm trong khu vực dự án; có những di sản bị tổn hại do người dân tự ý thực hiện vì chờ quá lâu, chủ yếu ở các làng xã đồng bằng và trung du Bắc bộ. 
Đến các làng xã ở đồng bằng Bắc bộ và trung du ta sẽ thấy dày đặc chùa chiền, đình, miếu có tuổi đời hàng trăm năm. Một xã có bao nhiêu xóm có bấy nhiêu cái đình của cộng đồng, chưa kể các phủ miếu của tư nhân. Những làng nào có con cháu học cao hay người quen làm ở trung ương là có thể xin bộ hồ sơ xếp hạng di sản nhà nước hay của tỉnh, còn không coi như là công trình công cộng của làng. 
Chùa, đình, miếu ngày xưa làm bằng gỗ, tường gạch đá ong hay gạch đất nện, vữa là vôi trộn với mật mía, giấy bản. Qua năm tháng, nhất là khí hậu miền Bắc nóng ẩm, mưa dầm, nắng đổ lửa, di sản nào cũng xuống cấp, gỗ bị mục nát, mối mọt đục rỗng, ngói mủn, tường nứt, nền lún... Khi một di sản xuống cấp người xót xa nhất là dân tại chỗ, bởi nó gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ. 
Trước thực trạng đó, các vị bô lão trong làng họp nhau lại tìm cách cứu đình, chùa. Việc đầu tiên là tiền, đóng góp tự nguyện theo hộ gia đình và cả những người khá giả trong làng, nhưng cũng không được bao nhiêu, chỉ đủ chống dột, vá tường, bởi những di sản bị hư hỏng nặng cần kinh phí lớn. Trong bối cảnh đó, sẽ là may mắn nếu có ai trong số con cháu của làng ăn nên làm ra tặng cho khoản tài chính lớn. Có tiền rồi, các cụ mới tính chuyện sửa lớn, bầu ra ban đại diện, báo cho xã biết, rồi kêu thợ về sửa. 
Thế nhưng, để có thể trùng tu được lại liên quan đến thủ tục pháp lý. Có thể nói đây là ma trận vô cùng phức tạp trải qua hàng chục khâu và hàng năm trời. Đối với di tích của địa phương không xếp hạng phải qua UBND xã, huyện, tỉnh với sự thẩm định của Sở VH-TT-DL; nếu là Di tích quốc gia phải qua Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa, Hội đồng Di sản quốc gia, Hội đồng Quy hoạch kiến trúc, các hội nghề nghiệp khác. Khi có chủ trương, xã phải làm dự án, có tờ trình, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, tài chính, thành lập hội đồng thẩm định đánh giá của chuyên gia trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc, xây dựng, tài chính, đặc biệt là chuyên gia di sản. Sau nữa là hội đồng thẩm định năng lực tổ chức tư vấn, thẩm định các phương án trùng tu (cải tạo, sửa chữa, hạ giải làm mới…), đánh giá năng lực đơn vị thi công về tài chính, nhân lực và phương tiện kỹ thuật… 
Với các yêu cầu khắt khe, rối rắm, trong khi di tích đang chờ sập, tượng còn gửi tạm đâu đó, và thế là muốn có đình để làm lễ, nên bà con không thể chờ, phải làm. Bởi bà con nghĩ đình làng mình, tiền của mình, làm cho mình có gì sai, hơn thế việc trùng tu cũng bàn bạc với nhau chứ không có “âm mưu gì”. Chẳng hạn, cây đa lâu năm trồng ngay trước cửa ngôi đình Chèm cổ hơn 2.000 năm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có bộ rễ ăn ngang phá bậc tam cấp và hỏng nền sân của đình, muốn  chuyển đi không có tiền thuê nhân công, máy móc nên đơn giản là chặt đi để sửa sân đình cho thuận, thế là bị quy là phá hoại. Hay ngôi đền cổ An Liệt xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương, cái cổng xây bằng xi măng khá cổ kính nhưng xiêu vẹo chực sụp, người dân đã cho đập bỏ và thay tạm vào đó là cánh cổng sắt, chờ khi nào có tiền sẽ phục dựng lại như cũ. Ngặt nỗi cái đình này được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1995, nên như thế là vi phạm Luật Di sản. 
Có trường hợp, không phải là cố tình phá hoại mà người dân thấy đình mục nát quá, muốn cứu theo lớp lang bài bản phải có rất nhiều tiền, có máy móc, kỹ thuật, thợ bậc cao mới làm được, mà chờ thì biết đến bao giờ, chi bằng có gì làm nấy. Như cột đình bằng gỗ lim to đến 2 người ôm bị mục nhiều chỗ được thay bằng cột bê tông cho bền muôn đời và lại rẻ nữa, các khung kèo bằng gỗ thay bằng sắt, các đầu dao bằng gỗ chạm hình rồng phượng công phu thay bằng bê tông đắp rồng phượng nổi… Đó là trường hợp Đình Lương Xá, Liên Bạt, Ứng Hòa được xây dựng từ thế kỷ 17. Việc làm như thế bị quy là vi phạm Luật Di sản, dù công trình này chưa được xếp hạng.
Chỉ khoanh vùng khu vực Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã có  gần 5.924 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hạng. Còn tính cả miền Bắc, di tích, di sản lên đến hàng ngàn cái. Tất cả di tích này đều trên 100 tuổi, có cái 200, 300 tuổi nên đều xuống cấp, hư hỏng cần trùng tu gấp. Nhưng nếu cứ đợi xếp hàng và làm theo đúng quy trình, quy phạm các cơ quan chức năng đề ra, số được sửa chữa sẽ rất ít, số sụp đổ sẽ rất nhiều. Do vậy, các cơ quan công quyền phải thay đổi cách thức để người dân chủ động tham gia nhiều hơn nữa, nhưng đảm bảo ít sai sót xảy ra. 
Để thực hiện tốt việc này, theo chúng tôi cần đơn giản hóa quy trình cấp phép cho người dân tự duy tu, bảo trì, phục chế các di sản di tích phổ thông trên địa bàn địa phương. Khi có đề xuất của người dân cán bộ xã, huyện, tỉnh và cả Trung ương phải vào cuộc càng sớm càng tốt, không để dây dưa hàng năm trời. Khi người dân có nhu cầu trùng tu, các cơ quan chức năng sớm cử người về hướng dẫn, giúp đỡ cách làm, không nên để bà con tự phát làm đến khi sự đã rồi quay ra phê phán, kỷ luật.
Bên cạnh đó, tổ chức các khóa huấn luyện ngắn về kiến thức di tích, di sản, cách thức trùng tu di sản cho cán bộ địa phương và người dân tại chỗ. Đối với công trình không mang tính tiêu biểu cho một trường phái hay một giai đoạn lịch sử, không có kiến trúc độc đáo, chỉ là của làng, xã, có thể giảm bớt các tiêu chuẩn trùng tu, không nhất thiết phải cứng nhắc như đối với công trình cấp quốc gia. 
Di sản, di tích văn hóa, lịch sử-kiến trúc là của dân, không nên coi là độc quyền của cơ quan nào đó, việc động viên, hỗ trợ người dân tự ý thức bảo vệ phát huy giá trị di sản hết sức quan trọng, bởi chính người dân tại các làng xã mới phát huy hiệu quả giá trị di sản. 

Các tin khác