Điểm lại những vụ cháy trong khoảng 5 năm trở lại đây dễ dàng nhận thấy, các địa điểm, cơ sở kinh doanh như karaoke, bar... lại là nơi hiểm họa cháy nổ xảy ra cực lớn.
Như mới đây, đầu tháng 8-2022, một vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Cầu Giấy hy sinh. Trước đó, vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào đầu tháng 11-2016 đã cướp đi sinh mạng của 13 người. Và còn có thể liệt kê rất, rất nhiều những minh họa đau lòng như thế!
Một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người khi xảy ra cháy quán karaoke là bởi đa số các cơ sở này là nhà ống nhiều tầng, lối đi chật hẹp, khó thoát nạn. Hầu hết quán karaoke còn gắn biển hiệu quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền tòa nhà. Việc này không chỉ gây khó khăn trong công tác chữa cháy mà còn bịt luôn lối thoát nạn của những người bên trong.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường được đánh giá là những cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Luật Đầu tư năm 2020 đã nêu rõ kinh doanh dịch vụ karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về phòng chống cháy nổ.
Thông tư 147 năm 2020 của Bộ Công an và Nghị định số 136 năm 2020 của Chính phủ cũng đã quy định cụ thể các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với các cơ sở này. Không chỉ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn PCCC mới được cấp phép hoạt động, các cơ sở này còn chịu sự giám sát của cảnh sát PCCC, chính quyền và công an địa phương trong suốt quá trình hoạt động. Thế nhưng, những quán karaoke với không gian chật hẹp, không lối thoát hiểm vẫn tồn tại qua nhiều đợt kiểm tra, thanh tra của các lực lượng chức năng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc tổng kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Cơ quan chức năng nhận định, hầu hết các cơ sở khi bị kiểm tra thì đều có vi phạm về an toàn PCCC. Trong đó, có các lỗi “chết người” như hệ thống điện không đảm bảo, hệ thống báo cháy hư hỏng; để vật dụng chiếm lối đi, cản trở công tác cứu nạn; chèn, chặn cửa thoát nạn…
Ở đây, câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao thực trạng như thế, kiểm tra xác định tồn tại như thế nhưng không xử lý rốt ráo đến nơi đến chốn để rồi hệ quả là những vụ cháy gây thiệt hại thương tâm vẫn cứ tiếp diễn? Rõ ràng, nếu những vi phạm nêu trên bị xử lý nghiêm, kiên quyết rút giấy phép những cơ sở vi phạm thì có thể đã không xuất hiện những thảm họa như vụ cháy quán karaoke An Phú.
Đã đến lúc vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn liên quan đến vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ trong lĩnh vực này phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Chúng ta không thể trông chờ vào sự tự ý thức của công dân - những người kinh doanh luôn tìm mọi cách để tối ưu lợi nhuận của họ - mà phải kiên quyết áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Sẽ là không thừa khi một lần nữa các cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện này, đừng cứ mãi lặp lại điệp khúc “cảnh báo” trên những sinh mạng người mỗi khi sự cố xảy ra.