Dừng nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất đường

Biện pháp hoãn nhập khẩu đường trong thời gian tới được Bộ Công Thương triển khai áp dụng nhằm hỗ trợ các nhà máy đường và dự án sản xuất đường trong nước.

Biện pháp hoãn nhập khẩu đường trong thời gian tới được Bộ Công Thương triển khai áp dụng nhằm hỗ trợ các nhà máy đường và dự án sản xuất đường trong nước.

“Các nhà máy đường (đã được cấp phép nhập khẩu đường thô thời hạn thực hiện đến ngày 30-6-2011) sẽ dừng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp đối với các hợp đồng đã ký kết, nhưng chưa thanh toán mà không phải đền bù. Những doanh nghiệp này sẽ không ký thêm các hợp đồng nhập khẩu mới. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, chưa ký tiếp các hợp đồng mới, giãn tiến độ nhập khẩu đối với các hợp đồng nhập khẩu đến hết tháng 7-2011. Với các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất sẽ tập trung ưu tiên sử dụng đường trong nước và cân nhắc tiến độ nhập khẩu phù hợp” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên vừa thông báo giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường trong thời gian tới.

Dây chuyền sản xuất đường. (Ảnh: internet)
Dây chuyền sản xuất đường. (Ảnh: internet)

Biện pháp trên được áp dụng trong bối cảnh lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp là khá lớn. Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến ngày 15-4-2011, các nhà máy đường trong cả nước đang tồn kho 525.000 tấn đường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng các nhà máy đường tồn kho số lượng lớn, trong đó có sự e ngại của các doanh nghiệp thương mại. “Các doanh nghiệp thương mại phải đối mặt với tình trạng lãi suất vay cao, nên nếu dự trữ đường, thì sẽ không có lợi. Hơn nữa, lo ngại về một lượng lớn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan vẫn chưa được nhập về càng khiến doanh nghiệp không dám mua hàng tại nhà máy đường” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam giải thích.

Còn theo lý giải của Bộ Công Thương, đây không phải là lượng hàng bị ứ đọng vì mặt hàng này được sản xuất theo mùa vụ và được tiêu thụ trong cả năm. Số lượng đường tồn kho nói trên cần sử dụng cho 5-6 tháng. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính thực hiện biện pháp tạm hoãn nhập khẩu đường với các giải pháp cụ thể nói trên.

Việc tạm hoãn nhập khẩu này sẽ không gây ảnh hưởng tới nhu cầu đường trong nước. Con số của Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2011, lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan mới chỉ bằng 79% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất mới chỉ nhập khẩu 31.750 tấn, bằng 63% so với cùng kỳ năm 2010. Các doanh nghiệp thương mại chỉ nhập khẩu 4.500 tấn, trong khi con số cùng kỳ năm 2010 là 16.500 tấn.

Việc nhập khẩu đường hiện nay cũng không phải là giải pháp hiệu quả với doanh nghiệp, khi mà giá đường nhập khẩu về Việt Nam đã xấp xỉ, hoặc cao hơn so với giá đường bán ở trong nước.

Nguồn cung đường trong nước dự báo sẽ không bị biến động lớn, khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn dự báo lượng đường sản xuất từ ngày 15-4 đến cuối vụ khoảng 80.000 tấn. Con số này cộng với lượng tồn kho, nên tổng nguồn đường sản xuất trong nước từ ngày 15-4 đến vụ mới 2011-2012 vào khoảng 600.000 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu đường đến hết tháng 7/2011 (đã ký hợp đồng, đã mở L/C) khoảng 70.000 tấn. Như vậy, tổng lượng đường trong nước có khoảng 670.000 tấn, đủ cho nhu cầu sử dụng trong 5 tháng cao điểm (mùa nắng nóng, nguyên liệu sản xuất phục vụ Tết Trung thu) và đủ đến tháng 9-2011.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc tạm hoãn nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan (tổng số 250.000 tấn) sẽ được áp dụng trong khoảng thời gian cụ thể sau khi các bộ có liên quan trao đổi với nhau. Tuy nhiên, thời gian tạm hoãn này sẽ kéo dài đến ít nhất là tháng 7-2011.

Giải pháp này đang được kỳ vọng có thể giúp doanh nghiệp mía đường đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy đường, thông qua đó giúp người trồng mía duy trì được giá bán nguyên liệu ở mức cao.

Các tin khác